Công tác chống ngập ở TPHCM đã được triển khai hơn 10 năm qua, tuy nhiên, đến nay, tình trạng ngập úng trên địa bàn TPHCM vẫn đang diễn biến phức tạp, không chỉ ở khu vực trung tâm mà còn lan ra nhiều khu vực ở ngoại thành, các khu đô thị mới.
Đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5 - TPHCM) - một trong những tuyến đường
thường bị ngập nặng mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: TẤN THẠNH
Ngập từ trong ra ngoài
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TPHCM (gọi tắt là trung tâm) tại hội thảo “Tóm tắt báo cáo khởi đầu dự án chống ngập nước khu vực TPHCM” giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan do trung tâm tổ chức ngày 5-4, tính đến đầu năm 2011, TP vẫn còn 58 tuyến đường có khả năng bị ngập nặng khi có mưa.
Nặng nhất là các tuyến đường: Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ Ngô Tất Tố đến cầu Sài Gòn, phường 22-quận Bình Thạnh); Xô Viết nghệ Tĩnh (phường 21-quận Bình Thạnh); An Dương Vương, Tân Hòa Đông, Phan Anh, Trương Công Định, khu vực Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6, quận 11, quận Tân Phú); đường Nguyễn Văn Quá (quận 12)...
Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc trung tâm, mặc dù TP đã triển khai nhiều dự án để chống ngập, như dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải tạo rạch Hàng Bàng…
Tuy nhiên, do tiến độ các dự án chậm cộng với việc đô thị hóa nhanh, các công trình hạ tầng với quy mô lớn mọc lên ngày càng nhiều khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, gây ngập mỗi khi có mưa hoặc triều cường.
“Dự kiến đến hết mùa khô năm nay, TP sẽ hoàn thành một số dự án chống ngập cho 28 tuyến đường. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục kiểm tra các điểm ngập do thi công chặn dòng để khơi thông dòng chảy, rà soát, kiểm tra để kịp thời khắc phục khiếm khuyết của các hệ thống thoát nước”- ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Ban Quản lý dự án của trung tâm, cho biết.
Cũng theo ông Long, thời gian gần đây, các điểm ngập và mức độ ngập trên địa bàn TPHCM tuy có giảm nhưng chưa đạt yêu cầu. Ở nội thành, có một số điểm ngập phát sinh và có xu hướng lan ra ngoại thành và các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm…
Theo khảo sát, hiện nay, 75% các khu vực bị ngập nguyên nhân không phải do mực nước triều cường cao mà do khả năng thoát nước của hầu hết hệ thống thoát nước mưa chỉ đáp ứng được lượng mưa 40 mm. Bên cạnh đó, ở TPHCM, hiện tượng lún nền cũng đang diễn ra khiến tình trạng ngập càng trở lên phức tạp.
Tiếp tục chịu đựng
Nhiều chuyên gia nhận định với tiến độ thi công các dự án chống ngập như hiện nay, tình trạng ngập ở TPHCM trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.
Đó là chưa kể nếu dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành nhưng vẫn không có cống thoát nước như hiện nay sẽ khiến 223 ha bị ngập, còn nếu có cống, tỉ lệ ngập sẽ hơn 40 ha.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đến từ Hà Lan cho rằng để giải quyết ngập cho TP trong thời gian tới, đòi hỏi công tác điều hành phải có sự đồng bộ, phải từng bước thay thế các công trình được xây dựng hàng chục năm qua nay đã lỗi thời, đồng thời tăng cường hệ thống cống thoát nước để điều tiết, nhất là khi có mưa lớn kết hợp với triều cường.
Các chuyên gia trong nước cũng bày tỏ sự lo ngại khi đến nay, TPHCM vẫn chưa có một chiến lược tổng thể về chống ngập; chưa có sự phối hợp đồng bộ với các tỉnh lân cận; tiến độ các dự án chống ngập, đặc biệt là các dự án ODA còn chậm…
Trước mắt, để hạn chế tình trạng ngập cho TPHCM, trung tâm đã và đang tiến hành nhiều giải pháp. Đối với dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, do hệ thống thoát nước chưa hoàn thành, trung tâm đã khắc phục bằng cách tăng cường máy bơm nước ra kênh mỗi khi có mưa và triều cường lớn.
Đối với các tuyến đường An Dương Vương, Tân Hòa Đông, Phan Anh…, không còn cách nào khác ngoài việc nạo vét lòng kênh, khơi thông dòng chảy ở các kênh Ruột Ngựa, Bàu Trâu, Tân Hóa.
Riêng khu vực đường Nguyễn Văn Quá, do dự án thoát nước của lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm chưa xong nên trung tâm sẽ lắp đặt đường ống 600 mm để dẫn nước ra các kênh, rạch lân cận.
Còn lại, các tuyến đường như Trần Hưng Đạo (đoạn từ Châu Văn Liêm đến Học Lạc, quận 5), Lê Quang Sung (đoạn từ Mai Xuân Thưởng đến Minh Phụng, quận 6), Ba Vân (đoạn từ Nguyễn Hồng Đào đến Âu Cơ, Tân Bình) sẽ vẫn tiếp tục bị ngập trong mùa mưa này vì đến nay chưa có dự án chống ngập.
Hà Lan viện trợ 1,5 triệu euro để chống ngập
Chính phủ Hà Lan đã quyết định viện trợ 1,5 triệu euro không hoàn lại để thực hiện dự án chống ngập cho TPHCM theo một trong ba phương án:
Thứ nhất, “không ngăn sông”. Kịch bản này được đưa ra trong quy hoạch chung của Bộ NN-PTNT, bao gồm việc xây dựng các công trình đê, bờ kè chống lũ, cống, quy trình vận hành hồ chứa…
Thứ hai, “ngăn một phần”, gồm các công trình ngăn triều trên sông Lòng Tàu, sông Nhà Bè và thứ ba là “ngăn toàn bộ sông”, công trình này gồm xây dựng một hệ thống đê biển từ Vũng Tàu đến Gò Công (tỉnh Tiền Giang).
Hiện 3 phương án trên đang được các chuyên gia Việt Nam và Hà Lan nghiên cứu để chọn một phương án khả thi nhất, thực hiện vào giữa năm 2012. |
Bình luận (0)