Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện 219 trường hợp vi phạm với gần 74.000 tấn tôm chứa tạp chất (chủ yếu là thạch rau câu - agar).
Một hộ kinh doanh bơm tạp chất vào tôm bị các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang
Gần đây nhất, chiều 10-6, Cục Cảnh sát Môi trường (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh của bà Phạm Thị Mộng (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Đoàn kiểm tra bắt quả tang cơ sở này đang cho 5 nhân viên bơm tạp chất là agar vào 300 kg tôm sú và tôm thẻ. Cùng lúc, một đội kiểm tra khác ập vào nhà ông Lê Văn Bông (cùng xã Vĩnh Phú Tây) bắt quả tang 7 công nhân đang bơm agar vào 500 kg tôm.
Trước đó gần 2 tuần, lực lượng của Cục Cảnh sát Môi trường phối hợp với cơ quan chức năng bắt quả tang ông Bùi Văn Minh (ngụ xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cho nhân công bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm tăng trọng lượng để thu lợi bất chính. Ông Minh khai bột agar được mua rất rẻ, chỉ tốn 90.000 đồng mua về nấu thành thạch đặc bơm vào tôm sẽ kiếm lợi thêm 30% trên mỗi tấn tôm.
Còn tại tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2016 đến nay cũng phát hiện trên 50 vụ tôm bơm tạp chất. Tổng số tôm vi phạm lên đến gần 10 tấn.
Ngoài những vụ bắt quả tang tại cơ sở thu mua tôm nguyên liệu, cơ quan chức năng cũng rất nhiều lần bắt quả tang số lượng lớn tôm bị bơm chích tạp chất trên đường đi tiêu thụ. Điều lạ là hầu như số tôm nói trên không được làm rõ nguồn gốc và doanh nghiệp (DN) nào chế biến.
Việc xử lý tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm, nhất là các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang. Các địa phương này cũng cam kết thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, những vụ do cơ quan chức năng phát hiện, hầu hết tài xế đều khai chở thuê và không biết giao cho ai (không địa chỉ); lực lượng chức năng niêm phong, xử lý mà không tìm hiểu rõ người tiêu thụ khiến tình trạng này vẫn tiếp diễn và làm dư luận bức xúc.
Tại cuộc họp ký cam kết trách nhiệm chống nạn bơm chích tạp chất vào tôm mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nhấn mạnh việc cam kết không đưa tạp chất vào tôm không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với quốc gia mà còn là trách nhiệm với chính DN. "Tôi đề nghị các địa phương tập trung làm quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng tôm tạp chất" - ông Trung nói.
Trước đó, tại hội nghị "Phát triển ngành tôm Việt Nam" do Bộ NN-PTNT tổ chức ở Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ "tuyên chiến" với những hành vi bơm nước, hóa chất, tạp chất, chì vào tôm để trục lợi bất chính.
Xác định tội danh để xử lý
Theo kế hoạch phòng chống, ngăn chặn tôm tạp chất của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), đến hết năm 2017, tất cả 100% cơ sở nuôi tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, chế biến tại 4 tỉnh trên ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không mua tôm tạp chất. Đến năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm trên phạm vi cả nước.
NAFIQAD đề nghị Bộ Công an sớm chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương xác định tội danh đối với hành vi bơm tạp chất vào tôm để có cơ sở xử lý DN vi phạm. C.Tuấn
Bình luận (0)