Ngày 28-7, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an đã phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo tuyên truyền phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại các tỉnh, thành phía Nam.
Thủ phạm hầu hết là người thân quen
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cho rằng những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã gây nhức nhối trong xã hội. Hàng loạt vụ việc được đưa ra công luận, tương lai của nhiều trẻ có nguy cơ bị hủy hoại bởi loại tội phạm này.
Tại hội nghị, cha một nạn nhân đau khổ kể về chuyện con gái 7 tuổi của mình bị hiếp dâm
"Thực tiễn đang đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần tập trung tháo gỡ, loại bỏ loại tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội, vì một môi trường thân thiện, an toàn cho con em chúng ta" - ông Tuyến nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Hữu Sự, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, cho biết diễn biến của tội phạm này ngày càng phức tạp, công tác phòng ngừa và điều tra còn hạn chế. Hầu hết các vụ việc là do người dân tố giác.
Đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn chưa có tiền án, tiền sự và có quan hệ gần gũi với nạn nhân. Đáng báo động là thời gian gần đây nổi lên tình trạng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch đã có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kể cả với trẻ em nam. Thủ đoạn của các đối tượng này là lợi dụng trẻ em ở nhà một mình, nơi vắng vẻ hoặc trường học để xâm hại, thậm chí làm quen qua mạng internet rồi dụ dỗ, cưỡng ép.
Ngoài ra, các bé gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức cá nhân hạn chế nên bị các đối tượng lừa gạt bán ra nước ngoài làm vợ hoặc bán vào các ổ mại dâm. Một số đối tượng còn lợi dụng sự mê tín dị đoan, cho các em uống rượu say, uống thuốc lắc để xâm hại tình dục.
Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Tân, TP HCM, trên địa bàn thời gian qua đã xảy ra một số vụ hiếp dâm trẻ em mà thủ phạm hầu hết là người quen, thậm chí là người thân trong gia đình. Ngoài ra, người phạm tội là do yêu đương quá sớm, chưa ý thức được hành vi của mình; công nhân làm thuê, để con ở nhà một mình bị kẻ xấu hãm hại.
Quá nhiều rào cản
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho rằng việc xử lý các đối tượng xâm hại, dâm ô trẻ em còn gặp khó khăn do những kẽ hở trong hệ thống pháp luật. Đối với hành vi ấu dâm, tuy đã xâm hại thân thể, nhân phẩm của nạn nhân nhưng việc xác định tội danh không dễ do khó xác định hậu quả để lại trên thân thể nạn nhân. Các văn bản luật hiện hành chưa điều chỉnh được hết những vấn đề liên quan đến loại tội phạm này, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý.
"Với chức năng được giao, Tổng cục Cảnh sát sẽ nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc từng bước hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn" - Trung tướng Tuyến khẳng định.
Theo ông Nguyễn Hữu Sự, sở dĩ tội phạm hiếp dâm trẻ em khó xử lý vì không để lại dấu vết, khó phát hiện. Thậm chí, khi phát hiện chưa chắc đã đủ cơ sở xử lý chúng vì nạn nhân chậm trình báo.
Đại tá Sự dẫn chứng: Một số vụ hiếp dâm trẻ em thời gian gần đây không xử lý được vì không bắt được quả tang, không có người chứng kiến trực tiếp tố cáo hoặc do người thân gây ra nên gia đình nạn nhân ngại tố giác. Ngoài ra, khi làm việc với cơ quan chức năng, tâm lý các cháu nhỏ thường hoảng hốt, khai không đúng vì nghe theo hướng dẫn của bố mẹ. Nhiều trường hợp đối tượng thỏa thuận bồi thường để kéo dài vụ việc khiến việc giám định không chính xác...
"Hiện nay, luật xác định đối tượng phạm tội từ 16 tuổi trở lên nhưng từng tội danh lại quy định khác nhau, như tội dâm ô phải đủ 18 tuổi mới đủ căn cứ xử lý. Giờ các em 16-18 tuổi đã có tình cảm yêu đương bồng bột, chở nhau đi nhà nghỉ, sống chung nên rất dễ phạm tội" - ông Sự băn khoăn.
5 năm, 6.686 vụ xâm hại
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, trong 5 năm 2012-2016, cả nước xảy ra 6.686 vụ xâm hại trẻ em.
Tại 15 tỉnh, thành phố thuộc Đông - Tây Nam Bộ và TP HCM, từ năm 2014-2016 ghi nhận xấp xỉ 1.000 vụ. Trong đó, 78 nạn nhân là trẻ dưới 10 tuổi, 306 trẻ 10-13 tuổi và 632 nạn nhân từ 13 đến 16 tuổi.
Bình luận (0)