Trong 4 người con thì con trai đầu Tra Truyền Hiệp thừa hưởng gien di truyền của Kim Dung rõ nhất. Truyền Hiệp ra đời vào lúc Kim Dung và Chu Mai đang vất vả mưu sinh, chuẩn bị thành lập Minh báo.
Tra Truyền Hiệp bạc mệnh
Mới vừa học nói, Truyền Hiệp đã được cha dạy đọc Tam tự kinh, đến 4 tuổi thì thuộc lòng; lên 6 tuổi đã thuộc “Tăng quảng hiền văn”, mọi người đều gọi là “Tiểu thần đồng”. Vào Trường Tiểu học Sơn Đỉnh, Truyền Hiệp là học sinh giỏi và rất ham đọc sách.
Kim Dung, Chu Mai và con trai đầu Tra Truyền Hiệp
Mùa thu năm 1965, tác phẩm “Hiệp khách hành” của Kim Dung đăng tải trên Minh báo. Bộ tiểu thuyết này có viết câu chuyện vợ chồng Thạch Thanh thương yêu con trai mình, tình tiết chân thiết cảm động, đó là lấy từ thực tế gia đình Kim Dung viết ra. Truyền Hiệp 10 tuổi đã mê mải đọc “Hiệp khách hành”, có khi ngồi đọc dưới thềm trời mưa, cha gọi mấy lần mà không hay.
Kim Dung đặc biệt thương yêu Tra Truyền Hiệp. Năm 11 tuổi, Tra Truyền Hiệp đã viết một bài văn tựa đề “Cuộc đời của ta là vì cái gì?”. Bài văn nói rằng cuộc sống đầy đau khổ, chẳng có ý vị gì, thể hiện sự u uẩn và có tư tưởng xuất thế. Bài viết khiến mọi người kinh ngạc. Có người nói không nên cho lối tư duy ấy tồn tại trong đầu một đứa trẻ như Truyền Hiệp nhưng Kim Dung lại thấy con mình đúng, ông khen con sớm phát trí tuệ, tư tưởng sâu sắc.
Tháng 10-1976, Tra Truyền Hiệp đang học năm nhất Đại học Columbia - Mỹ đã bất ngờ treo cổ tự tử khi chưa đầy 20 tuổi. Đây là vết thương vĩnh viễn không bao giờ lành trong lòng Kim Dung. Tháng 9-2004, Kim Dung hồi ức: “Tôi nhớ khi nhận được hung tin con trai lớn qua đời ở Mỹ, lòng đau đớn vô hạn nhưng hôm ấy còn phải viết bài bình luận cho báo nên vừa viết vừa khóc, dù đau đến mấy cũng phải viết”. Mấy tháng sau, Kim Dung sang Mỹ đem tro cốt của Tra Truyền Hiệp về Hồng Kông.
Trong phần hậu ký của bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký sau đó, Kim Dung viết rằng: “Nỗi đau xót của Trương Tam Phong khi thấy Trương Thúy Sơn tự vẫn hay niềm đau đớn của Tạ Tốn khi nghe tin Trương Vô Kỵ chết, trong sách đã viết quá nông cạn, sự thực trong cuộc đời không phải như vậy bởi lúc ấy tôi vẫn chưa hiểu thấu...”.
Đầu bếp Tra Truyền Thích
Trong khi Trịnh Tiểu Long, con trai của nhà văn kiếm hiệp Cổ Long, là võ sư ngũ đẳng Nhu đạo, làm cận vệ cho người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu thì con trai của Kim Dung lại theo nghề... đầu bếp.
Con trai thứ của Kim Dung là Tra Truyền Thích có vóc dáng giống Kim Dung nhất, thân hình tròn trịa, mặt mũi đầy đặn. Không giống người anh, lúc nhỏ Tra Truyền Thích học hành chểnh mảng, sở thích là ăn, nuôi chó và du sơn ngoạn thủy. Tra Truyền Thích từng kể rằng: “Tôi không phải là tài liệu học tập. Khi xưa, tôi cùng anh cả học ở trường St. Paul’s. Anh thì học rất giỏi, thầy cô rất thương quý, còn tôi nghịch phá số một, thường bị phạt”.
Về sau, được Kim Dung gửi sang Anh học, Truyền Thích chọn ngành kế toán vì cho rằng: “Kế toán thì chỉ cần điền con số vào khung cố định thì sẽ ra đáp án, rất thích hợp với người lười biếng”. Sau khi từ Anh trở về Hồng Kông, Truyền Thích được cha đưa vào làm phó giám đốc Nhà Xuất bản Minh Hà, làm một số việc quản lý xuất bản.
Tra Truyền Thích rất mê nấu ăn, am hiểu và thạo chế biến các món ăn của Pháp, Ấn Độ, Tứ Xuyên, Quảng Đông. Sư phụ của Truyền Thích chính là nhà ẩm thực lừng danh Thái Lạn. Truyền Thích viết nhiều bài về ẩm thực trên các báo, tạp chí, lấy bút danh là “Bát Đại đệ tử”.
Đầu năm 2001, khi thấy đã “luyện đủ công lực”, Tra Truyền Thích mở nhà hàng Thực Gia Thái ở Hồng Kông. Để khích lệ con, Kim Dung đã đến “mở hàng”. Nhiều ngôi sao điện ảnh Hồng Kông như Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương, Thẩm Điện Hà... thường đến đây ăn. “Minh tinh thật ra rất khổ, chúng tôi thường cùng nhau ăn cơm, Trương Quốc Vinh cho biết anh ấy bị chứng trầm uất, tối thường mất ngủ” - Tra Truyền Thích nói. Nhà hàng này có những món rất đặc biệt do Truyền Thích đặt ra như “Bát Giới tương tư lại một năm” (thịt cổ heo xào đậu côve) hay “Đường Minh Hoàng thăm ao Hoa Thanh (gà quý phi trộn tương tam vị)...
Đang kinh doanh ăn uống ổn định, năm 2004, Tra Truyền Thích đóng cửa nhà hàng, đến Thâm Quyến làm chỉ đạo ẩm thực cho một nhà hàng cao cấp. Truyền Thích hài hước về nghề nghiệp của mình là “nghệ thuật hành vi”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-12
Tra Truyền Thi - Tra Truyền Nột
Cô con gái thứ ba của Kim Dung là Tra Truyền Thi lúc nhỏ thông minh, lanh lợi. Truyền Thi được 5 tuổi thì Cách mạng văn hóa nổ ra ở đại lục, phong trào “võ đấu” tức phê đấu thô bạo lan rộng, ở Hồng Kông cũng xảy ra bạo động, đốt phá. Minh báo phản đối “cực tả” nên Kim Dung bị xem là Hán gian, liệt vào vị trí thứ hai trong danh sách 5 người phải tiêu diệt. Trước tình hình đó, Kim Dung phải đưa vợ con đi lánh nạn ở Singapore. Tại đây, Truyền Thi bị sốt cao, đưa vào một bệnh viện nhỏ tiêm thuốc quá liều khiến cô bé bị điếc. Kim Dung gọi đùa con là “Tiểu Lung Nữ” (“lung” là điếc). Tháng 3-1982, Tra Truyền Thi được cha gửi sang Canada, học tại Trường Đại học York, tốt nghiệp với thành tích xuất sắc. Truyền Thi là phóng viên, phó tổng biên tập tờ Minh báo buổi tối. Đến nay, Truyền Thi đã là bà mẹ 3 con, hiện là tổng quản lý một đài truyền hình về tài chính.
Tra Truyền Nột sinh năm 1963, từ nhỏ đã thể hiện năng khiếu hội họa. Năm 12 tuổi, cô bái sư danh họa thủy mặc Đinh Diễn Dung học 2 năm, sau đó tự học quốc họa, sơn dầu. Tranh của cô được giới chuyên môn đánh giá cao.
Tháng 5-2010, Tra Truyền Nột mở phòng vẽ ở khu trường đua Happy Valley, Hồng Kông. Nói về hội họa, Truyền Nột từng đùa rằng: “Cha tôi viết một cuốn tiểu thuyết phải mấy trăm trang mới hoàn thành, còn tôi chỉ trong một bức họa đã chuyển tải thiên ngôn vạn ngữ, chẳng phải tôi lợi hại hơn sao?”.
Bình luận (0)