xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nín thở chống chọi siêu bão

Nhóm Phóng viên

Đâu đâu cũng thấy cảnh người dân dùng xe máy chở nhau đi tránh bão, những phụ nữ rời nhà, bồng bế con mang theo ít vật dụng đến ẩn nấp tại các ngôi nhà cao tầng, kiên cố hơn...

Từ sáng sớm 9-11, dân các xã Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Xuân, Vinh Thanh của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tất bật chằng chống nhà cửa. Bữa cơm trưa của các gia đình ở dọc bờ biển diễn ra sớm hơn thường ngày, đạm bạc và qua loa.

Khẩn trương đưa dân đến nơi an toàn

Đầu giờ chiều, khung cảnh làng quê chộn rộn hẳn lên bởi hàng trăm taxi đón người dân lên TP Huế tránh bão. Nét phờ phạc, lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt hốc hác của người dân xứ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
Dọc con đường Hoàng Sa chạy ra cửa biển Thuận An, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân dùng xe máy chở nhau đi tránh bão; những phụ nữ bồng bế con mang theo ít vật dụng đến ẩn nấp tại các ngôi nhà cao tầng. Những căn nhà cửa đóng then cài, chỉ còn lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giúp dân. Theo UBND thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, trong ngày đã di dời trên 5.000 người đến nơi an toàn.

img
Người dân tỉnh Quảng Nam di tản đến nơi tránh bão Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Đến 19 giờ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hoàn thành di dời 11.274 hộ với hơn 50.072 người. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã điều 600 cán bộ, chiến sĩ về các xã bãi ngang ven biển để giúp dân ứng phó với bão và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Tỉnh Quảng Trị cũng di dời trên 17.600 hộ với 68.680 người đến nơi an toàn.
img
Ngư dân miền Trung đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão Ảnh: Tử̉ Trực - Quang Tám - Trần Thường

Từ chiều 9-11, mưa và gió bắt đầu mạnh lên tại tỉnh Quảng Nam. Công tác chằng chống nhà cửa, đồ đạc đã được người dân ở đây chuẩn bị cơ bản. Nhiều người ở khu vực không phải di tản cũng cẩn thận làm hầm để trú bão.

img
Lực lượng quân đội tỉnh Phú Yên hỗ trợ dân xây kè khẩn cấp Ảnh: HỒNG ÁNH
 
Tại xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, từ 14 giờ, từng đoàn người bắt đầu tập trung hai bên đường chờ các đoàn xe đến đưa đi di tản. Ngồi chờ xe bên đường, cụ Lê Thị Hòa (77 tuổi) lo sợ: “Tôi chưa bao giờ nghe cơn bão nào khủng khiếp như thế này”. Cùng tâm trạng như cụ Hòa, nhiều người liên tục gọi điện, nhắn tin cho người thân ở xa để thông báo tình hình.

img

Hầm trú ẩn được nhiều người dân Quảng Nam xây dựng để chống chọi siêu bão Haiyan Ảnh: Tử̉ Trực - Quang Tám - Trần Thường

Khi đoàn xe đến, tiếng khóc của các em nhỏ do lo sợ tạo nên khung cảnh hết sức khẩn trương.

Khoảng 13 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Hoa (57 tuổi, ngụ phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) đã tử vong do ngã trong lúc chặt cây chống bão. Ông Hoa là trường hợp thứ hai tại tỉnh này tử vong trong khi phòng chống bão. Ngoài ra còn 30 người bị thương. Theo chỉ đạo của ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong chiều cùng ngày, các địa phương phải thực hiện xong việc di dời dân.

img
Người dân Quảng Ngãi hối hả kéo nhau tìm nơi tránh bão chiều 9-11
Ảnh: Tử̉ Trực - Quang Tám - Trần Thường

Mất liên lạc với 13 tàu cá

Sáng 9-11, hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã di dời đến nơi an toàn.

Tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, từ sáng sớm, chính quyền đã yêu cầu người dân chằng chống nhà cửa, khẩn cấp di dời. Đến 10 giờ, tại các điểm được chọn làm nơi sơ tán đã tập trung hàng chục ngàn người. Nhiều gia đình đưa người già, trẻ em đến trước, đàn ông và thanh niên ở nhà chằng chống nhà cửa.

Dự kiến tỉnh Quảng Ngãi có 54.050 hộ với 216.000 người buộc phải sơ tán tập trung; 27.500 hộ với 109.000 người sơ tán xen ghép sẽ di dời hoàn toàn trước 17 giờ cùng ngày. Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết điều lo ngại nhất là 13 tàu đang di chuyển từ vùng biển quần đảo Trường Sa sang Hoàng Sa hiện vẫn chưa thể xác định được vị trí chính xác.

Hai Phó Thủ tướng điều hành chống bão

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đã duyệt danh sách hơn 30.000 hộ dân cần di dời nhưng trong ngày chỉ đưa đi được 5.400 hộ với trên 20.000 người. Đến cuối ngày, vẫn còn 67 tàu với 521 ngư dân đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm. Số tàu này đang chạy hết tốc lực tìm nơi tránh trú.

Huyện Hoài Nhơn được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất ở tỉnh Bình Định. Theo ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, toàn huyện có trên 2.000 hộ với gần 9.000 người cần di dời. Trong số gần 2.400 tàu, thuyền với gần 18.000 ngư dân của huyện, hiện chỉ có khoảng 1.200 chiếc đã vào bờ, số còn lại đang trên đường tránh trú.

Tại tỉnh Phú Yên, dù dự báo tâm bão Haiyan không quét qua nhưng chính quyền đã trích ngân sách 220 triệu đồng để xây kè khẩn cấp ở khu vực Nam xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) nhằm bảo vệ trên 240 hộ dân. Ban Quản lý dự án thủy lợi tỉnh Phú Yên đã huy động phương tiện cùng gần 100 người dân dùng rọ chất đá xây kè với sự hỗ trợ của 50 chiến sĩ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động. Đến cuối ngày, bờ kè dài 60 m đã hoàn thành.

Tại đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), lực lượng bộ đội ra tận âu tàu hướng dẫn tránh trú, giúp ngư dân chằng néo tàu, thuyền. Có 736 ngư dân được bộ đội đưa vào đảo, lo chỗ ở và chia sẻ suất ăn.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dẫn đầu đoàn công tác đến các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Ngãi kiểm tra tình hình phòng chống bão. Đoàn cũng đến thăm hỏi và động viên người dân được các địa phương di dời đến vùng trú ẩn.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lũ cuốn trôi
Sáng 9-11, lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã tìm thấy thi thể cháu Ngô Tùng Nguyên (3 tuổi, ngụ xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) và Nguyễn Thành Thắng (17 tuổi, ngụ thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) bị nước cuốn trôi ngày 7-11.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, lũ trên các sông ở tỉnh này đã xuống dưới báo động 1. Mưa lũ đã làm 26 căn nhà bị sập, trôi, 25 căn tốc mái; 1.311 ha lúa, 718 ha mía gãy đổ, tổng thiệt hại khoảng 23 tỉ đồng.
 K.Nam
 

Chủ động đối phó lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Ngày 9-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ đã ký công văn hỏa tốc yêu cầu di dời khẩn cấp hơn 14.000 hộ dân với hơn 50.000 người thuộc các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… đến nơi trú ẩn an toàn. Kỳ Anh là huyện phải di dời nhiều nhất với 4.400 hộ dân.

Cùng ngày, UBND tỉnh Hà Tĩnh có lệnh hỏa tốc đến chủ tịch UBND các huyện có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh huy động lực lượng, phương tiện tổ chức di dời dân đến nơi an toàn trước 21 giờ. Tỉnh cũng thực hiện lệnh cấm biển, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi.

Đến tối cùng ngày, tỉnh Nghệ An đã sơ tán 4.587 hộ dân với 17.975 người tới khu vực an toàn. Ông Nguyễn Sỹ Hội, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, cho biết đã huy động 100% quân số, phương tiện để chủ động phòng chống bão và lực lượng có thể hoạt động tốt trong điều kiện mưa to, gió lớn. Quân khu 4 cũng điều động 300 ô tô, 29 xe lội nước và gần 600 tàu, thuyền để sẵn sàng ứng cứu.

Tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 6.975 phương tiện hoạt động trên biển nhưng đều nhận được tín hiệu báo bão và đang tìm nơi tránh trú bão.Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, chỉ đạo các huyện ven biển phải nhanh chóng kêu gọi ngư dân đưa thuyền bè vào địa điểm tránh bão, tuyệt đối không cho phương tiện neo đậu ngoài cửa sông, bờ biển. Các huyện miền núi phải tổ chức di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở cao trước 17 giờ ngày 10-11.

L.An - Đ.Ngọc - T.Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo