Ngày 1-11, Quốc hội (QH) nghe báo cáo và thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Các đại biểu (ĐB) QH đã tập trung mổ xẻ câu hỏi tại sao nợ công tăng cao trong khi nhiều dự án, công trình đầu tư với số vốn lớn nhưng để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp?
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) dự đoán tình hình thu chi ngân sách và nợ công sẽ tiếp tục là tâm điểm của kinh tế Việt Nam trong cả giai đoạn 2016-2020. Vấn đề thâm hụt ngân sách triền miên sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn vĩ mô với vòng xoáy lạm phát, lãi suất, tỉ giá tiếp tục vay để trả nợ và bù đắp thâm hụt.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) chỉ ra “bệnh” sử dụng vốn ODA kiểu “cha chung không ai khóc”. Nhiều đơn vị, bộ, ban ngành, địa phương cảm thấy rằng đây là nguồn đầu tư không hoàn trả nên sử dụng, quản lý kém hiệu quả, gây thất thoát rất nhiều mà phải trả trong thời gian tới.
Phân tích sâu hơn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng việc bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư. Vì thế, cần chỉ rõ thực tế hiệu quả đầu tư có bao nhiêu dự án đưa lại hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu cần xem xét, đề nghị điều tra, truy tố, nguyên nhân, giải pháp xử lý.
ĐB Phương dẫn báo cáo chỉ 5 dự án, gồm xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất đã tiêu tan trên 30.000 tỉ đồng. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân nợ công và áp lực nợ hiện nay. Khả năng giải pháp khắc phục để QH và nhân dân yên tâm. Dân gian có câu “thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi”. Tâm lý người dân Việt Nam là lo nợ, nợ công cao thì càng lo” - ĐB Phương thẳng thắn.
Mở rộng bình luận, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nói: “Tình trạng tìm mọi cách để được phê duyệt dự án đầu tư của chủ đầu tư là khá phổ biến; hay nói theo cách khác là tình trạng đua nhau xin đầu tư chạy dự án là có thật nhưng hiệu quả dự án thực tế thì có khoảng cách một trời một vực so với thuyết trình của chủ đầu tư”. ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM) đề nghị chính quyền các cấp siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách, tài khóa, xóa cơ chế xin - cho, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình độc lập, kiên định mục tiêu giảm bội chi.
Áp lực trả nợ rất lớn
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 là 18,4%/năm, cao gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. “Dự toán giai đoạn 2011-2015, bội chi 872.000 tỉ đồng, thực tế thực hiện hơn 1 triệu tỉ đồng. Do vậy, riêng nợ công tăng 1,2 triệu tỉ đồng. Nhận định nợ công tăng nhanh là hoàn toàn đúng” - Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước… 5 năm qua cũng không đạt. Trong khi đó, chính sách giảm thu được điều chỉnh thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phát triển sản xuất… Chi an sinh xã hội, chi giảm nghèo và chi lương thì lại tăng; thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng nông thôn mới, giao thông… cũng là một trong những lý do.
Nói về giải pháp xử lý, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách cũng như các chính sách theo đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công. Ngoài ra, từng bước tái cơ cấu nợ công, cụ thể là đẩy mạnh nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài; cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất nợ công.
TP HCM tiếp tục có ý kiến về phân bổ ngân sách
Chiều 1-11, QH thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP HCM) cho rằng theo dự thảo Chính phủ trình QH, tỉ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng đối với TP HCM là 18%, giảm 5 điểm phần trăm so với kỳ ổn định ngân sách trước. ĐB Tuyết đề nghị QH tăng tỉ lệ điều tiết này lên 21% thay vì 18%.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, nhấn mạnh TP HCM cần nguồn lực để đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, TP đồng ý giảm nhưng giảm ở mức độ nào đó để bảo đảm cân đối ngân sách của TP chứ không nên giảm đột ngột. “Giảm đột ngột một lúc 5 điểm phần trăm trong khi 1% của TP HCM thì con số tuyệt đối là rất lớn, sẽ khiến TP rất khó trong chính sách điều hành để thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ TP. Đề nghị Ủy ban Thường vụ QH, QH, đặc biệt là Chính phủ quan tâm” - ĐB Tâm kiến nghị.
Bình luận (0)