Dù cho ngay sau khi trao giải, đại diện của Viện Hàn lâm Thụy Điển giải thích đại ý về tương quan giữa thi ca với âm nhạc, truyền thống “hát thơ” từ cổ sơ nên được tính vào địa hạt văn chương nhưng dư luận chống lại giải Nobel 2016 đâu dễ bị thuyết phục đến vậy. Họ vẫn thấy ấm ức, thậm chí thất vọng não nề dù cho tất thảy, chẳng ai đóng thuế để cho giải thưởng ấy tồn tại.
Và dù muốn hay không thì cũng phải chấp nhận một thực tế rằng Nobel chỉ là một chọn lựa có tính tương đối như biết bao chọn lựa khác trên đời, việc gì phải mất ăn mất ngủ vì nó. Nếu có một sự tổn thương thì cái lỗi lớn nhất không nằm ở sự vô tình của người gây ra những tổn thương mà nằm ở chính những người bị tổn thương. Thường thì Viện Hàn lâm Thụy Điển chỉ mở cánh cửa ra nói vài câu rồi đóng cửa trước sự chộn rộn đợi chờ của báo giới, sự náo nức của giới cá cược lẫn văn giới. Chính độc giả, giới nghiên cứu văn học tự xây cho Nobel một ngôi đền thiêng về giá trị để rồi mặc định, xem đó là một nơi có thể đóng chuẩn cho những sự nghiệp sáng tạo văn chương. Ở những người viết văn, Nobel được xem như một cùng đích của mọi phấn đấu văn học, một ước mơ huy hoàng. Còn các nhà phê bình, viết tiểu sử sẽ sẵn sàng lược qua rất nhiều yếu tính của tác phẩm, của hành trình văn học với một tác giả chỉ để ghi vào đó những giải văn chương sáng giá mà anh ta đạt được, nếu có Nobel thì ưu tiên Nobel phải đứng hàng đầu, đáng kể nhất và phóng chiếu lớn hơn, Nobel văn học là vinh dự quốc gia, là đỉnh cao sáng tạo.
Hơn cả, Nobel là một thứ huyền thoại!
Trên thực tế, cũng có những yếu tố làm cho Nobel lớn: những người ngồi ghế xét chọn đều là những đại thụ về phê bình, giải cũng từng trao cho những nhà văn có sức ảnh hưởng… Nhưng việc biến những điều đó thành một nơi định chuẩn giá trị văn học một cách chính xác, thỏa mãn mọi kỳ vọng lẫn thị hiếu của mọi thành phần là điều phi lý. Không một tác giả hay tác phẩm nào bảo đảm điều đó. Chính vì thế, cần sớm giải thiêng cho “đế chế Nobel” và những “đế chế giải thưởng văn học” khác trên đời này. Trả Nobel trở lại tư cách là một kênh xét chọn sự nghiệp văn học có lịch sử, có tính chuyên nghiệp, có bộ tiêu chí và lý lẽ riêng như biết bao nhiêu giải thưởng hay kênh xét chọn khác. Và người đọc thông thái, chủ động chắc hẳn sẽ có một kiểu Nobel cho mình khi ta trả lời được câu hỏi vì sao tôi chọn, yêu thích, bị chinh phục bởi tác giả, tác phẩm nọ chứ không phải tác giả, tác phẩm kia và nếu điều ta chọn không giống như điều người khác chọn thì cũng là sự bình thường trên đời.
Biết bao sự việc trong thế giới hôm nay đã nhắc khéo ta rằng sự tôn sùng, độc đoán sẽ báo trước những đổ vỡ và thất vọng.
Bình luận (0)