Giải Nobel Hòa bình năm nay đã được trao cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ngày 7-10 vì những nỗ lực của ông nhằm khép lại cuộc nội chiến kéo dài 51 năm ở nước này.
Đây được xem là lựa chọn khá bất ngờ vì chỉ cách đây 5 ngày, cử tri Colombia đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình giữa Tổng thống Santos và ông Rodrigo London - biệt danh Timoleon “Timochenko” Jimenez, thủ lĩnh Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) - được ký kết hôm 26-9 sau 4 năm đàm phán. Phe chỉ trích thỏa thuận nói chính phủ nhượng bộ FARC quá nhiều với mong muốn chấm dứt cuộc nổi dậy đã cướp đi sinh mạng của khoảng 220.000 người và 5 triệu người phải bỏ nhà cửa cho đến giờ.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Oslo, đại diện Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh kết quả trưng cầu dân ý không có nghĩa là người dân Colombia từ chối hòa bình mà họ chỉ muốn phản đối một số chi tiết của nó. Bà Kaci Kullmann Five, Chủ tịch Ủy ban Nobel, cảnh báo kết quả này có thể khiến xung đột bùng phát trở lại và kêu gọi 2 ông Santos, Timochenko tôn trọng thỏa thuận, “cùng chia sẻ trách nhiệm và tham gia một cách tích cực vào các cuộc đối thoại hòa bình sắp tới”. Theo bà Five, Ủy ban Nobel hy vọng giải Nobel Hòa bình sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ông Santos để “chiến đấu vì hòa bình” cho đến ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.
Tổng thống Juan Manuel Santos (trái) và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono hồi tháng 9-2016 Ảnh: REUTERS
Khi được hỏi tại sao giải thưởng không được trao cho bên còn lại tham gia đàm phán, trong đó có ông Timochenko, bà Five giải thích trong cương vị tổng thống, ông Santos là người đặt nền móng và dành nhiều công sức cho tiến trình này. “Các cuộc đàm phán đã góp phần đưa cuộc xung đột đẫm máu tới gần hòa bình đáng kể” - bà Five đánh giá.
Dù vậy, chủ tịch Ủy ban Nobel từ chối trả lời câu hỏi phải chăng ủy ban thấy khó xử khi trao giải thưởng cho thủ lĩnh một phong trào nổi dậy, thay vào đó cho biết họ không bao giờ bình luận về những người không nhận được giải thưởng. Gạt sang một bên tranh cãi này, đại sứ Colombia tại Na Uy Alvaro Sandoval Bernal nhấn mạnh trên truyền hình: “Giải thưởng là một thông điệp chứa đựng hy vọng của đất nước tôi. Giải thưởng như tái khẳng định vẫn có hy vọng cho tiến trình hòa bình tại Colombia”.
Tại Colombia, thời điểm giải Nobel Hòa bình được công bố là rạng sáng 7-10 nên ông Santos còn ngủ. Kênh NRK (Na Uy) tìm cách liên lạc để phỏng vấn chủ nhân giải thưởng nhưng không thành. Sau đó, nhà lãnh đạo Colombia cho biết ông cảm thấy vô cùng vinh dự trong khi nhiều người Colombia tỏ ra ngạc nhiên. Họ cho rằng cơ hội nhận giải của ông Santos bị giảm đáng kể do thỏa thuận hòa bình bị bác bỏ. Dù vậy, ông Carlos Holmes Trujillo, thành viên của Đảng Trung tâm dân chủ đối lập, nói với đài phát thanh địa phương rằng giải thưởng là “sự công nhận xứng đáng của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của ông Santos vì hòa bình”.
Vị tổng thống 65 tuổi này là người Colombia thứ hai được trao giải Nobel. Người đầu tiên là nhà văn Gabriel García Márquez, nhận giải Nobel Văn chương năm 1982. Tổng thống Santos cũng là nguyên thủ quốc gia/chính phủ thứ 16 nhận giải Nobel Hòa bình khi còn tại vị. Với giá trị khoảng 930.000 USD, giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo vào ngày 10-12.
Bình luận (0)