Ngày tết, đệ tử Lưu Linh chuyên nghiệp vẫn kháo nhau đừng nhậu một nơi quá nhiều, phải phân sức ra mỗi nơi uống một tí sao cho đi một vòng về… vừa đủ xỉn vừa đảm bảo thăm hỏi chúc Tết được giáp vòng người quen, chiến hữu.
Vậy là việc nhậu ở đây không chỉ mua vui mà còn được xem như một thứ trách nhiệm. Ít ra với tay nhậu được, vượt qua được một khối lượng bia rượu nào đó còn chứng tỏ “bản lĩnh vượt trội”.
Những cuộc gặp gỡ ngày tết dễ gì vắng bóng bia rượu. Có rượu lời mới ra. Có bia câu chuyện mới thành rôm rả. Kỳ thực không phải đợi đến tết, ngày thường người ta cũng đã mượn rượu làm vui. Có vẻ cái sự vui ở ta trước giờ hơi bị nghèo nàn về cách thức thể hiện, ít nhất là với một bộ phận cánh đàn ông nhậu được. Thà không ai biết thì thôi, đã lỡ mang tiếng “đội mạnh”, nhậu được thì đám nào người ta cũng rủ, từ chối đã khó mà bảo xỉn về trước thì không ai tin.
Dường như trong văn hóa Á Đông, con người vốn kín tiếng nên đành rượu vào để lời ra cho ngọt. Trong làm ăn, rượu lại càng đắc lợi. Người ta mượn rượu để thăm dò ý tứ đối phương, đấu rượu âm thầm để lượng chừng bản lĩnh, không tuyên mà chiến. Uống được nhiều, uống trộn được, vượt qua mọi lời mời 100% cũng trở thành một thứ giá trị! Vì vậy mà có nhiều người “đô” cứng, được phân công hẳn làm nhiệm vụ tiếp khách.
Giáp tết cũng là lúc tất niên, liên hoan, tổng kết, mời mọc… diễn ra dày đặc. Ai cũng lè lưỡi, ai cũng than nhưng chẳng ai bỏ cuộc. Mọi người chấp nhận chuyện nhậu bắc cầu giữa 2 năm cũ – mới như điều đương nhiên, bất chấp thắc mắc cuộc vui đó có thực vui hay không, hay chỉ là một thứ thủ tục? Thậm chí, không nhậu được còn bị xem là thiệt thòi lớn. Còn với những gã bỏ nhậu - như tôi đây - thiệt hại còn có thể lớn hơn khi một lượng bạn bè, mối mang, quan hệ nhạt dần theo. Cuộc vui dần bỗng trở thành một thứ gánh nặng.
Trong chừng mực nào đó, sự nghèo nàn trong đời sống tinh thần đẩy người ta vào cảnh nhậu nhẹt lê la. Dẫu sao, cái sự nghèo nàn này đang dần bị lấn át bởi nhiều xu hướng mới. Những người trẻ càng về sau càng thấy ít nhậu. Có lẽ họ còn nhiều việc hơn để làm, còn nhiều thứ đáng hơn để vui vẻ. Ngày tết, họ bắt đầu tận dụng thời gian rãnh rỗi để đi đây đó, học hỏi, khám phá. Để có thể tạo dựng hay thưởng thức những niềm vui bổ ích khác, người ta phải chịu khó học hỏi và nâng cấp cuộc sống mình lên.
Bình luận (0)