Mỗi khi nghe đến “nhà lao Tân Hiệp” (thuộc phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), vợ chồng bà Lê Thị Sên - ông Nguyễn Văn Thắng, hai cựu tù chính trị từng bị giam cầm hàng chục năm tại đây, lại giật mình như vừa trải qua cơn ác mộng. Hiện ông bà mang trên mình những căn bệnh hiểm nghèo – hậu quả của những trận đòn tra khảo trong thời gian bị tù đày.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu được vài phút đã phải kết thúc vì bà Sên - ông Thắng cứ khóc nấc mỗi khi nhắc lại những năm tháng ở nhà lao Tân Hiệp. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của đôi vợ chồng già này và những câu chuyện đau đớn của họ như viết lại bản cáo trạng tố cáo tội ác tày trời của Mỹ - ngụy ở nhà lao này.
Vợ chồng bà Lê Thị Sên - ông Nguyễn Văn Thắng, những nhân chứng sống viết lại
cáo trạng tố cáo tội ác tại nhà lao Tân Hiệp. Ảnh: N.PHÚ
Địa ngục trần gian
Bà Lê Thị Sên nhờn nhợn cổ khi kể lại cảnh tù nhân nhà lao Tân Hiệp lén lút bứt cỏ, nhặt lá cây, bắt côn trùng, thằn lằn để ăn. Những thứ này được xem là dinh dưỡng mà người tù tự “bồi bổ” cho mình ngoài khẩu phần chính được nhà tù phát là lưng bát cơm nấu bằng gạo mục lẫn đất cát và chút mắm thối đầy dòi bọ.
Không gian nhà giam trong trí nhớ bà Sên là căn phòng khoảng 200 m2, bốn bề bịt kín, không đủ không khí cho tù nhân thở. Ở góc phòng giam có đặt một thùng tôn để tù nhân đại, tiểu tiện. Mùi xú uế luôn nồng nặc cả phòng. Dù vậy, những lúc khát quá, tù nhân đành phải uống nước tiểu.
“Nếu tù nhân không chịu khai báo, bọn cai ngục cột chặt chân tay và bắt họ uống nước đái lâu ngày, nước xà phòng... qua miệng và lỗ mũi. Khi tù nhân đã no, chúng nhảy lên bụng họ đạp cho nước phụt ra đường miệng và mũi cho đến lã đi ”, đó là lời kể của ông Võ Thế Đại - cựu tù chính trị bị giam ở nhà lao Tân Hiệp - được Ban chỉ đạo Điều tra hậu quả chiến tranh tỉnh Đồng Nai trích đăng trong sách "Tội ác Mỹ ngụy tại nhà lao Tân Hiệp - Biên Hòa" xuất bản năm 1995.
Trong hồi ký của mình, bà Lưu Thị Na, sinh năm 1937, cựu tù chính trị đang sống ở TP Biên Hòa, viết: “Ngày 30-12-1970, chúng (bọn cai ngục - PV) đưa cảnh sát dã chiến về ném lựu đạn hơi cay vào các phòng, riêng phòng 11 bị ném 24 trái, toàn phòng 51 người ngất xỉu, phỏng toàn thân, rồi chúng dùng thuốc xịt kiến DDT bơm vào mặt tất cả chị em, mọi người bất tỉnh nhân sự, sau đó bị kéo bừa ra phơi nắng. Trong đợt này, chị Phan Thị Chính, quê ở Vĩnh Long, bị nhiễm độc nặng mà chết. Còn chị Thanh, hiện sống ở TPHCM, sinh hai cháu, một cháu lên 8 tuổi đi học về tự nhiên lăn đùng ra chết, bác sĩ pháp y khám nghiệm và kết luận cháu tử vong do nhiễm độc ở mẹ”.
Mặc dù nhiều lần bị tra khảo bởi những đòn dã man nhưng tù nhân chính trị ở nhà lao Tân Hiệp vẫn luôn động viên nhau nêu cao lý tưởng cách mạng. Để hủy diệt sinh mệnh chính trị của những người tù cộng sản, tại đây, địch mở ba lớp tố cộng. Ai vào học những lớp này coi như được “tẩy não”. Không chỉ hăm dọa, chúng còn dụ dỗ tù nhân bằng cách vào từng trại giam, hỏi ai đi học thì ghi danh, ký tên, sau đó sẽ được chuyển qua trại khác, dễ thở hơn.
Một cựu chiến binh già kể lại: Mỗi ngày, một người chỉ được cấp 3 lon nước để uống và tắm giặt. Do mất vệ sinh nên tù nhân nào cũng lở loét khắp mình. Nhiều lần họ đấu tranh đòi nước uống, thuốc chữa bệnh, đòi ăn rau xanh, tăng khẩu phần..., bị bọn chúng dùng vôi bột rải xuống, làm ngộp thở. Sau đó, vôi thấm vào các vết thương gây phồng da, thúi thịt khiến nhiều tù nhân lâm trọng bệnh mà chết.
Một trong sáu nhà lao lớn nhất miền
Theo Ban Điều tra hậu quả chiến tranh tỉnh Đồng Nai, từ năm 1964 trở đi, bọn cố vấn Mỹ và CIA thường xuyên lui tới nhà lao Tân Hiệp để chỉ đạo công tác thẩm vấn, đồng thời cung cấp trang thiết bị để tra tấn, khủng bố tù nhân. Trong 21 năm nhà lao này hoạt động, hàng trăm chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước của ta đã bị giết hại hoặc đánh đập, tra tấn đến tàn phế.
Sau khi liên tục được mở rộng, đến giữa năm 1956, nhà lao Tân Hiệp cơ bản hoàn chỉnh. Nói về lý do cơi nới nhà tù, trong một văn bản gửi Tòa Đại biểu của chính quyền cũ ở Nam phần, Sở Nghiên cứu Pháp chế Sài Gòn viết: “Trung tâm này trở thành một trại giam rất quan trọng mà trước đây ít ai ngờ. Người ta dự định chỗ để giam giữ tới 500 phạm nhân, can phạm mà thôi, không dè đến ngày nay (24-2-1956), số phạm nhân thu nhận đã trên 800, trong đó có hơn 600 Việt cộng, phần nhiều là thứ dữ. Song chưa hết, trung tâm này còn phải thâu nhận thêm nữa”.
Theo tài liệu của các tổ chức điều tra tội ác của Mỹ - ngụy ở các nhà lao trên toàn miền Nam, sau Hiệp định Paris (1973), ở miền Nam có khoảng 1.000 nhà lao và trại giam, giam giữ khoảng 200.000 tù chính trị.
Cùng với 5 nhà lao Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Thủ Đức và Phú Lợi, Tân Hiệp được xem là nhà lao lớn nhất miền Nam với khoảng 8.000 - 10.000 tù nhân. Từ năm 1957-1975, tại nhà lao Tân Hiệp, Mỹ - ngụy đã giam giữ hơn 5 vạn lượt tù nhân, đại bộ phận là cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước ở khắp các tỉnh Nam Bộ.
Ngọn lửa cách mạng vẫn cháy
Đây còn là nơi giam cầm nhiều nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như nhà báo Dương Tử Giang, nhà văn Lý Văn Sâm, nghệ sĩ Ái Lan... |
Kỳ tới: Cuộc vượt ngục chấn động
Bình luận (0)