Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ sáng 7-8, ông Võ Văn Một, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương làm rõ các nội dung Báo NLĐ đã nêu để báo cáo Tỉnh ủy, đồng thời thu thập thêm thông tin về hài cốt các chiến sĩ đã hy sinh tại nhà lao này, nếu có cơ sở thuyết phục sẽ tổ chức tìm kiếm hài cốt.
Bia khắc tên, tuổi, quê quán 22 chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc phá khám nhà lao Tân Hiệp ngày 2-12-1956. Ảnh: C.T.V
Tìm kiếm hài cốt là việc quan trọng
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Đồng Nai, cho biết cơ quan này đang chuẩn bị phối hợp Sở LĐ-TB-XH, Ban Liên lạc cựu tù chính trị và các nhân chứng sống để họp bàn kế hoạch và thu thập thêm thông tin nhằm kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép tìm kiếm hài cốt của các tù chính trị được cho là bị vùi xác ở khu vực nhà lao Tân Hiệp. Ông Trí cho rằng những thông tin Báo NLĐ đã phản ánh trong loạt bài điều tra vừa qua là cần thiết để sở nghiên cứu. Về việc Báo NLĐ dẫn thông tin của những nhân chứng sống rằng có hố chôn tập thể và thi thể nhiều tù chính trị bị địch chôn vùi ven suối Săn Máu, dọc đường ray xe lửa sau khu đất của Ngân hàng Công Thương và di tích nhà lao Tân Hiệp hiện hữu, ông Trí cho rằng đây là thông tin đáng lưu ý. Theo ông Trí, quan trọng nhất hiện nay là việc truy tìm hài cốt của 22 chiến sĩ đã hy sinh ở khu vực nhà lao Tân Hiệp trong cuộc phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956. Tên tuổi của những người hy sinh hiện nay đã có đủ.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Thành Trí, ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cho biết trong tuần sau ông sẽ hội ý với giám đốc sở về việc này để có hướng làm hiệu quả. Ông Tín cho rằng những nhân chứng sống đã tham gia cuộc vượt ngục như ông Nguyễn Trọng Tâm, ông Nguyễn Văn Thông là rất quan trọng.
Mở rộng di tích gấp 3 lần hiện hữu
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai, sau khi Báo NLĐ đưa tin UBND tỉnh Đồng Nai bán đất nhà lao Tân Hiệp, Cục Di sản văn hoá đã yêu cầu tỉnh báo cáo vụ việc. Trước phản ứng của nhiều cựu tù chính trị về việc UBND tỉnh Đồng Nai xẻ bán đất nhà lao khiến di tích còn lại quá nhỏ bé, sở cho biết sắp tới sẽ mở rộng di tích “nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp” gấp ba lần hiện hữu. Diện tích mở rộng cũng là diện tích thu hồi lần thứ hai từ phần đất đã bán cho Ngân hàng Công Thương. Ông Nguyễn Thành Trí cho biết sở đã đề nghị Ban Quản lý di tích - Danh thắng tỉnh lập báo cáo quy mô đầu tư để tôn tạo. Hiện ban này đang phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (đơn vị tư vấn) để lập phương án thiết kế.
Theo phương án trên, dự kiến tỉnh sẽ tu bổ 8 hạng mục và tôn tạo 7 hạng mục khác. Trong đó có các hạng mục quan trọng như tu bổ nhà lính canh, nhà ngủ của lính, tượng đài; xây dựng và phục hồi theo lối mô phỏng trại giam A, trại giam B, nhà ở giám thị, các dụng cụ tượng và công cụ trong trại giam... Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Đồng Nai, cho biết theo dự toán, tổng mức đầu tư tôn tạo các hạng mục là gần 5,6 tỉ đồng. Ngoài ra còn làm thêm công viên cây xanh xung quanh nhà lao để tạo cảnh quan cho di tích.
Đừng chậm trễ ! Trong đơn gửi Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai ngày 15-1-2009, ông Nguyễn Văn Thông, nguyên tù chính trị tham gia cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956, xin được tìm 22 hài cốt tù chính trị hy sinh trong cuộc phá khám này. Theo ông Nguyễn Thành Trí, sau khi nhận được đơn của ông Thông, Sở VH-TT-DL đã có tờ trình gửi Thường trực UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương để tiến hành tìm kiếm hài cốt nhưng đến nay Thường trực UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa phản hồi tờ trình của sở.
|
Bình luận (0)