Ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết tất cả đơn vị đang dồn hết tốc lực để có thể thông tàu chính thức trong đêm 24-6 hoặc sáng 25-6. Đây cũng là thời khắc lịch sử sau sự cố ngày 2-3, khi cầu Ghềnh cũ tồn tại trên 100 năm bị một chiếc sà lan tông sập.
Hối hả làm việc
15 giờ ngày 24-6, khu vực cầu Ghềnh (sông Đồng Nai, TP Biên Hòa) trời mưa lớn, mây vần vũ, gió rát táp từng cơn. Thế nhưng, tại công trường, trên những nhịp cầu còn ngổn ngang, những nhóm kỹ sư, công nhân vẫn tranh thủ từng khoảnh khắc ngớt cơn mưa để làm việc một cách hối hả.
Ở phía bờ thuộc xã Bửu Hòa, TP Biên Hòa - nơi nhịp dầm cầu thứ 3 vừa được nối xong - không khí làm việc hết sức cấp tập. Phía bờ cù lao Hiệp Hòa, không khí làm việc cũng sôi động không kém. Đây đó rộn tiếng nhắc nhở, đốc thúc các công nhân vội vã hàn, cắt. Trên nhịp dầm số 3, các công nhân đang lắp, siết ốc những thanh ray cuối cùng.
Ở dưới sông, hàng trăm tàu bè, sà lan đậu chờ để được điều tiết lưu thông. Tuyến đường sắt hai đầu cầu được kiểm tra, rà soát sau gần 3 tháng vắng bánh tàu. Cây cầu sắt nhỏ trên bộ phía đầu cầu Ghềnh ở xã Hiệp Hòa gắn cùng với cổng chào trăm năm rêu phủ bên đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh cũng được sửa sang, xây mới, phục vụ trước mắt cho mục tiêu tàu chạy qua. Nhìn từ xa, hướng dọc theo sông Đồng Nai, trong làn mưa, bóng dáng cầu Ghềnh thấp thoáng dấu xưa tích cũ.
Kỹ sư Nguyễn Trần Quân, thuộc một trong những đơn vị thi công tại cầu Ghềnh, cho biết anh quê ở Quảng Trị. Được theo đơn vị vào thi công cầu với lời hẹn làm việc với tốc độ nhanh nhất, trách nhiệm cao nhất, anh cảm thấy tự hào.
Đêm trước đó, nhóm công nhân, cũng đến từ miền Trung, đổi ca làm việc lúc hơn 0 giờ vẫn tươi tỉnh cho biết không hề thấy mệt mỏi khi làm hết tốc lực vì mục tiêu cả đơn vị đặt ra. “Chúng tôi biết rằng cầu xong sớm ngày nào là giảm thiệt hại kinh tế ngày đó. Được đóng góp trách nhiệm của mình là chúng tôi cảm thấy vui…” - một người bày tỏ.
Trong công điện khẩn gửi các đơn vị liên quan, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn ngày 24-6 phải bố trí đoàn tàu kiểm tra tải trọng cầu Ghềnh đầy đủ các tiêu chuẩn, gồm: 4 toa xe hàng 4 trục có tổng trọng lượng 48 tấn/toa (bảo đảm 12 tấn/trục toa xe). Theo đó, công tác thử tải được tổ chức bằng việc cho chạy đoàn tàu công trình mang số hiệu 4562, xuất phát từ ga Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đến hết cầu Ghềnh (thuộc Km 1699+860 khu Dĩ An - Biên Hòa). Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn bố trí trưởng tàu phục vụ đoàn tàu chạy kiểm tra và có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của hội đồng thử tải.
Ông Nguyễn Vũ Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 3 - đơn vị kiểm tra, phân luồng giao thông qua cầu Ghềnh, cho biết trong ngày 24-6, 3 nhịp cầu Ghềnh đã được lắp ghép xong và đường ray 2 đầu cầu cũng được kiểm tra, bảo đảm đúng kỹ thuật. Đoàn tàu thử tải khi chạy đến các nhịp của cầu Ghềnh sẽ dừng lại để đo các thông số kỹ thuật, sau đó tốc độ tăng dần từ 5 km đến 15 km/giờ.
Đường sắt Bắc - Nam sắp liền mạch
Đến gần 19 giờ ngày 24-6, người dân tập trung rất đông hai bên bờ để được chờ xem cầu Ghềnh thử tải. Bên đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, những người lớn tuổi trầm tư chờ đợi nghe tiếng tàu chạy quen thuộc. Các thế hệ sau cũng theo dõi với sự háo hức.
Bên bờ Bửu Hòa - nơi có 2 người đàn ông từng hô hoán cứu được tàu khi xảy ra sự cố - người dân cũng tập trung quan sát với nhiều cảm xúc xen lẫn. Họ vui khi cầu Ghềnh như một nét ghi dấu lịch sử được khôi phục nhưng cũng buồn khi cây cầu cũ kết thúc sứ mệnh trong một nỗi đau thiệt hại quá lớn của nền kinh tế.
Ông Huỳnh Văn Ba (72 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa) thổ lộ: “Lúc cầu sập, tôi rất buồn vì nó gắn bó gần như với cả đời tôi, từ tuổi thơ đến bây giờ. Nay cầu được khôi phục gần như nguyên trạng là hợp ý dân. Thôi thì cũng đến lúc phải thay đổi nhưng sự thay đổi đột ngột quá và ảnh hưởng đến kinh tế nặng nề quá”. Còn anh Minh, 19 tuổi, thì nhảy cẫng lên: “Sau 3 tháng thế là lại nghe tiếng tàu rồi…”.
Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, ông Nguyễn Phú Cường, cho rằng cầu Ghềnh và tiếng tàu lửa đã là một nét văn hóa quen thuộc của người dân Biên Hòa. “Từ khi cầu gặp sự cố, nhiều người dân nơi đây cảm thấy trống trải, thiếu một điều gì đó. Cầu Ghềnh khôi phục nhanh, giữ được hiện trạng cũ, chúng tôi mừng cho hoạt động kinh tế, giao thông kết nối trở lại và cũng vui vì một nét văn hóa lưu dấu trong lòng dân” - ông Cường bày tỏ.
Ngay cả ông Đới Sỹ Hưng cũng không giấu được cảm xúc khi chia sẻ ông đang nóng lòng đợi đến ngày thông cầu, để thấy đường sắt Bắc - Nam liền mạch, để thấy thành quả lao động tích cực, khẩn trương, trách nhiệm của ngành đường sắt được người dân đón nhận trong niềm vui.
Tăng tàu khi thông cầu Ghềnh
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, sau khi hoàn tất việc thử tải, biểu đồ chạy tàu sẽ được điều chỉnh, không còn các đoàn tàu trung chuyển. Cụ thể, trong 2 ngày 24 và 25-6, những đoàn tàu xuất phát từ ga Hà Nội vào khu vực phía Nam là TN1, SE3, SE1, SE7, SE5 sẽ không còn trung chuyển hành khách. Những đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn từ ngày 26-6 cũng sẽ chấm dứt hoàn toàn việc trung chuyển. Theo kế hoạch chạy tàu, từ ngày 26-6 sẽ có 14 đôi tàu từ TP HCM đến Hà Nội và ngược lại. Do không còn giai đoạn hành khách phải trung chuyển bằng ô tô qua cầu Ghềnh nên cũng từ ngày 26-6 đến khi có kế hoạch chạy tàu mới, những đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn sẽ chậm hơn 1 giờ so với thời gian ghi trên vé.
Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, từ ngày 1-7, công ty cũng sẽ tổ chức chạy thêm nhiều tàu du lịch chất lượng cao từ TP HCM đi Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với giá vé ưu đãi.G.Minh - V.Duẩn
Bình luận (0)