Trong chiến tranh chống Mỹ, Hòa Khánh là một xã lớn, nằm cắt ngang Tỉnh lộ 10 nối liền tỉnh lỵ Hậu Nghĩa với Sài Gòn. Từ những năm cuối 1960 đến những năm đầu 1970, đây là chiến trường ác liệt.
Trong hoàn cảnh ấy, xã Hòa Khánh xuất hiện nhiều phụ nữ kiên trung không chỉ giúp chồng nuôi con đánh giặc mà còn trực tiếp cầm súng chiến đấu, trong đó có Nguyễn Thị Lệ.
Hai người con của bà Nguyễn Thị Lệ bên những kỷ vật của mẹ. Ảnh nhỏ: Anh hùng Nguyễn Thị Lệ thời trẻ. Ảnh: HOÀNG TRUNG
Cả đời, cả nhà theo cách mạng
Cô gái trẻ người đẹp nết Nguyễn Thị Lệ đã sớm tham gia đội dân công hỏa tuyến từ thời kháng Pháp, có nhiệm vụ chuyển lương thực, thực phẩm và đạn dược ra chiến trường. Rồi chị sánh duyên cùng Nguyễn Văn Tuẩn - một du kích. Sau năm 1954, cả hai tham gia xây dựng cơ sở cách mạng tại địa phương.
Sau khi Mỹ đổ quân vào VN, ông Tuẩn gia nhập bộ đội địa phương, tham gia lập phòng tuyến ngăn chặn địch đánh lấn vào căn cứ ở Đức Huệ (tỉnh Long An).
Nghe tin chiến trường cần bổ sung binh lực, bà Lệ không ngần ngại gửi hai người con trai vừa đến tuổi trưởng thành cùng chiến đấu bên cạnh cha và đồng đội. Một tháng sau, bà mất con trai đầu lòng (ngày 25-8-1967), rồi gần nửa tháng sau người chồng cũng nằm lại chiến trường (ngày 8-9-1967).
Tháng 10-1967, bà Lệ đưa thêm người con trai thứ ba là Nguyễn Văn Tiến ra chiến trường, sung vào lực lượng chiến đấu cơ động của Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An.
Tiếp đó, bà vận động con gái lớn là Nguyễn Thị Nguyệt thoát ly, gia nhập đội quân y của lực lượng vũ trang tỉnh Long An. Cuối tháng 10-1967, bà đưa 4 con nhỏ về xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa nhờ bà ngoại nuôi giùm để rảnh tay tham gia chiến đấu trả thù nhà, đòi nợ nước.
Đánh giặc giỏi, địch vận khéo
Năm 1967, đội du kích xã Hòa Khánh thành lập, bà Nguyễn Thị Lệ được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khánh, trực tiếp chỉ huy đội du kích. Không lâu sau, bà chỉ huy đội du kích đánh hạ đồn Thôi Môi, tiêu diệt nhiều tên địch, bắt sống 25 lính, sau đó vận động họ bỏ ngũ, tham gia đội du kích xã Hòa Khánh.
Đầu năm 1971, bà Lệ tiếp tục chỉ huy đội du kích tấn công đoàn xe tăng của địch khi chúng trên đường càn vào vùng giải phóng thuộc địa bàn ấp Thuận Hòa, xã Hòa Khánh, diệt 2 xe tăng và 9 lính Mỹ.
Khâm phục tài nghệ và lòng gan dạ của bà Nguyễn Thị Lệ, người dân xã Hòa Khánh đặt cho bà biệt danh “nữ hổ tướng”. Phía bên kia chiến tuyến, quân địch cũng gọi bà là “nữ hổ tướng” của Việt cộng.
Mỗi lần nghe tin bà Lệ xuất quân thì bọn địch lo lắng, co cụm. Trong một trận chống càn năm 1971, một mình bà diệt 2 xe tăng và nhiều lính Mỹ.
Sang năm 1972, ngay sau khi tiễn người con trai thứ sáu là Nguyễn Văn Tạo nhập ngũ, bà Lệ chỉ huy đội du kích xã chặn đánh địch càn vào ấp Thuận Hòa 1, diệt 15 tay súng, thu nhiều quân trang, quân dụng.
Cuối năm 1972 - đầu năm 1973, đội du kích xã Hòa Khánh dưới sự chỉ huy trực tiếp của bà liên tục xuất kích, tiêu diệt nhiều trung, đại đội của địch. Song song với những trận đánh, bà Lệ thực hiện công tác địch vận rất tốt, nhờ đó thu phục được nhiều lính ngụy bỏ hàng ngũ, gia nhập đội du kích xã Hòa Khánh.
Hai lần anh hùng
Quyết tâm tiêu diệt đội du kích xã Hòa Khánh và “nữ hổ tướng” Nguyễn Thị Lệ, đầu năm 1974, Chi khu Hậu Nghĩa của địch tập trung toàn bộ lực lượng hòng bình định xã Hòa Khánh.
Để đối phó, bà Lệ chia nhỏ đội du kích ra làm nhiều cánh, đồn trú nhiều nơi tạo thành thế trận phòng thủ liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp. Tối 7-5-1974, được tin 2 du kích trên đường đi công tác bị rơi vào ổ mai phục của địch, hy sinh, bà Lệ liền chỉ huy lực lượng đánh địch, trả thù cho đồng đội.
Trong lúc chôn cất những đồng đội đã tử trận, nhóm 4 du kích do bà Lệ chỉ huy bị 4 trung đội địch bao vây. Sau nhiều giờ giao chiến, ba đồng đội của bà lần lượt ngã xuống. Biết bọn địch quyết bắt sống mình, “nữ hổ tướng” cho lựu đạn nổ tung. Bà đã anh dũng hy sinh trong trận ấy, ở tuổi 45.
Sau ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Lệ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng. Đầu tháng 4-2010, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An cùng chính quyền xã Hòa Khánh đã tổ chức long trọng lễ đón nhận danh hiệu này cho người phụ nữ anh hùng Nguyễn Thị Lệ.
Khiến địch bạt vía, kinh hồn
|
Bình luận (0)