Dọc các con đường ở Thị trấn Thuận An đều vắng bóng người. Mặc dù bão chưa có ảnh hưởng gì đến vùng này nhưng tất cả quán xá, nhà dân đã đóng kín cửa. Hàng ngàn người đã rời nhà đi trú ẩn từ ngày hôm trước.
Tại khu vực xóm Đá, thôn Hải Tiến (Thuận An), nơi có nhà dân nằm sát cửa biển, chỉ còn lại một số nam thanh niên ở lại giữ nhà cửa. Gió ở đây đã rất mạnh. Mặc dù vậy, vẫn có tình trạng người dân ra đánh cá ở phá Tam Giang, rất nguy hiểm.
Một số khu vực được dự đoán chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nặng nhất như huyện Bình Sơn có gió cấp 4-5.
Các vùng phía nam của tỉnh như khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức, Đức Phổ không có những đợt gió mạnh xuất hiện.
Đến 8 giờ sáng 10-11, 36.700 hộ dân với 117.000 người ở các điểm sơ tán đã bắt đầu trở về nhà sau bão.
Nhiều người dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vui mừng rời khỏi những điểm tránh trú bão trở về nhà. Ảnh: Tử Trực
Tại tỉnh Quảng Ngãi, còn có một phóng viên của Đài truyền thanh huyện Đức Phổ tử vong vào chiều tối 9-11.
Ngoài ra, ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết trên địa bàn huyện cũng có một người bị tử vong do bị rơi từ mái nhà khi đang chèn chống tránh bão vào chiều 9-11. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Hiền (SN 1969, ngụ xã Đại Quang). Được biết, ông Hiền còn có vợ và 3 con nhỏ, hoàn cảnh rất khó khăn.
Theo thống kê ban đầu, tại tỉnh Quảng Nam đã có ít nhất 32 người bị thương trong lúc phòng chống bão Haiyan.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên có kế hoạch sơ tán, di dời với số lượng dự kiến khoảng 184.277/691.203 người ở các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu thuộc 69 huyện, thị đến nơi an toàn.
Tính đến 22 giờ ngày 9-11, theo thống kê sơ bộ các tỉnh đã triển khai sơ tán tổng cộng 154.072/541.607 người.
Hiện có 13/44 hồ chứa hồ đã đầy và qua tràn như: Tiên Lang, Vực Nồi, Minh Cầm (Quảng Bình); Nghĩa Hy (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế); Hòa Trung (Đà Nẵng); Khe Tân, Thạch Bàn, Phước Hà, Hố Giang (Q.Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa), hồ Tân Giang (Ninh Thuận).
Theo ghi nhận của chúng tôi tại tỉnh Quảng Nam, từ rạng sáng 10-11, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kèm theo gió nhẹ, lượng mưa ngày càng tăng dần. Đến sáng nay, một số hàng quán tại TP Tam Kỳ đã hoạt động trở lại, người dân và các phương tiện giao thông lưu thông bình thường.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết tuy gió bão chưa đi qua và còn diễn biến phức tạp nhưng đến thời điểm này do chủ động phòng chống nên chưa có thiệt hại về người và tài sản; so với bão số 10, bão 14 có cấp gió yếu hơn nên sự tàn phá của bão cũng giảm đáng kể. “Chúng tôi sẽ tổ chức thống kê thiệt hại sau khi bão đi qua để có biện pháp hỗ trợ kịp thời những hộ dân bị thiệt hại do mưa bão gây ra”- ông Nguyên nói.
Theo ghi nhận, bão số 14 đổ bộ vào đảo Lý Sơn với sức gió cấp 9 cấp 10, tuy nhiên phần lớn nhà dân trên đảo không bị tốc mái hư hại như cơn bão số 10. Đến 7 giờ sáng 10-11, gió bão còn duy trì ở cấp 9, cấp 10.
Hồi 5 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Trị 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (tức là từ 134 đến 166 km/giờ), giật cấp 15-16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30 km. Đến 4 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11-12.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-14, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội.
Ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Trị - Quảng Bình cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5 – 3,5 m. Khu vực ven biển từ Hà Tĩnh – Hải Phòng cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 4 – 5 m. Sóng biển 3 – 5 m, vùng gần tâm bão 5 - 7 m.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9-10.
Dự báo, trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Bình luận (0)