Vụ việc hành khách gốc Việt David Dao bị cưỡng chế xuống máy bay của United Airlines để nhường ghế cho phi hành đoàn đang gây phẫn nộ trong dư luận nước Mỹ và kéo theo những thiệt hại kinh tế chưa thể lường hết được đối với hãng hàng không United Airlines.
Hành khách gốc Việt David Dao bị cưỡng chế xuống máy bay của United Airlines
Tình huống cho đặt chỗ nhiều hơn số ghế trên máy bay là nghiệp vụ riêng của ngành hàng không, giúp các hãng tối ưu hoá được lợi nhuận do đặc thù là ngành kinh doanh không có hàng tồn kho, máy bay đã cất cánh thì những ghế trống không thể thu được tiền. Đó là chính sách bán overbooking (bán vé vượt số ghế trên máy bay), được áp dụng cho các hãng hàng không truyền thống với đặc điểm vé có thời hạn kéo dài, được phép đổi giờ, đổi chuyến bay.
Theo chia sẻ của chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, trong vận tải hàng không có đặc thù nhiều khách đã mua vé nhưng bỏ chuyến bay (khách no-show). Ngược lại cũng nhiều khách có nhu cầu bay nhưng không mua được vé từ trước, buộc phải đến quầy vé giờ chót ở sân bay để xem chuyến nào còn chỗ trống thì mua vé (khách go-show). Nhân viên quầy vé sẽ ghi tên khách go-show vào sổ chờ (wait-list) để giải quyết theo thứ tự ai đến trước được xếp bay trước.
Vì đặc thù này, các hãng hàng không sử dụng một phần mềm "Revenue Management System". Trên cơ sở dữ liệu lịch sử tải thực tế của từng đường bay, phần mềm này tự động đưa ra dự báo tỷ lệ no-show theo các khung giờ bay để hãng hàng không quyết định tỉ lệ overbook.
Có đường bay tỉ lệ vé bán vượt số ghế trên máy bay là 10% nhưng cũng có đường bay lên đến 20% là do phần mềm này dự báo. Tuy nhiên, cũng có khi dự báo không khớp với thực tế, số khách no-show thấp hơn nên xảy ra tình trạng vé đã bán nhiều hơn số chỗ của chuyến bay đó, buộc nhân viên phải xử lý cắt khách ngay từ dưới mặt đất.
Phổ biến nhất là kêu gọi người tình nguyện bỏ chỗ và đền bù cho họ một khoản tiền. Nếu không có ai tình nguyện bỏ chỗ, hãng hàng không sẽ căn cứ vào chính sách của hãng để cắt khách, phổ biến là theo nguyên tắc “ai đến trước, phục vụ trước”, trừ một số khách được ưu tiên đi (khách có chuyến bay nối chuyến, khách nước ngoài hết hạn visa, người già, phụ nữ, trẻ em...).
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết về chính sách bán overbook tại Việt Nam có Thông tư 24 quy định xử lý trong các tình huống này. Theo đó, hành khách rơi vào trường hợp overbook sẽ được bồi thường một số tiền nhất định và được chuyển sang bay vào chuyến bay sớm nhất kế tiếp. Mọi việc phải xử lý trước khi hành khách lên máy bay (boarding).
Tại Việt Nam, chỉ có hãng hàng không Vietnam Airlines áp dụng chính sách bán overbook. Các hãng hàng không hoạt động theo mô hình giá rẻ như Vietjet và Jetstar Pacific không áp dụng chính sách overbook vì vé của hàng không giá rẻ có tính chất không hoàn không huỷ và rất hạn chế đổi chuyến cũng như giờ bay. Quá giờ bay dự kiến, khách không lên máy bay là vé hết giá trị.
Bình luận (0)