Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Sáng nay 9-8, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 502 đại biểu đại diện cho hơn 22.000 hội viên thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc.
Tới dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành; các nhà bão lão thành...
Trước đó, trong 2 ngày họp nội bộ (7 và 8-8), Đại hội đã đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kì mới”; 8 năm thực hiện Thông báo kết luận số 221-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả họat động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam"; tập trung thảo luận, xây dựng, hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, báo cáo sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội...
Đại hội cũng đã tiến hành bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kì 2015-2020. Ban chấp hành khóa X gồm 57 người. Ban Chấp hành cũng đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 người. Ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam khóa X ra mắt
Phát biểu khai mạc Đại hội Lần thứ X Hội nhà báo Việt Nam, ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết kế thừa và phát huy truyền thống 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá đại hội đã tập trung thảo luận, xây dựng, hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, báo cáo sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội và các văn kiện quan trọng khác trình Đại hội. Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, sự đoàn kết, trí tuệ, nhất trí cao, Đại hội đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng là tiến hành bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt của Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kì 2015-2020, gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện, cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của Hội trong nhiệm kì tới.
Ông Thuận Hữu cho biết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí thế giới và trong nước đang đứng trước những thời cơ cũng như thách thức, đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội có ý nghĩa thiết thực góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu, cống hiến mà các thế hệ nhà báo Việt Nam đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển của dân tộc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh báo chí là binh chủng trên mặt trận tư tưởng. Trong bối cảnh xã hội thông tin đang phát triển như vũ bão ngày nay, nhà báo cần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đề cập đến những hạn chế, khuyết điểm của báo chí, đó là còn có những biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, đưa tin chưa trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật, khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc, một số phóng viên còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật; việc xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí còn có lúc chưa nghiêm... Tổng Bí thư cũng đề cập đến tình trạng một số hội nhà báo địa phương hoạt động còn hình thức.
Tổng Bí thư yêu cầu thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế hoạt động của Hội nhà báo để đồng hành hiệu quả với nền báo chí nước nhà. Tổng Bí thư nhấn mạnh báo chí phải làm sao góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang trong suốt 80 năm qua; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, lòng mong đợi của Nhà nước và nhân dân.
Bình luận (0)