Peter Arnett “khoe” tấm ảnh ông chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà ông ngưỡng mộ là một thiên tài
Thăm lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh, phóng viên chiến trường nổi tiếng thế giới Peter Arnett đã cùng đoàn phóng viên chiến trường Mỹ tới thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tỏ lòng kính trọng.
Tiếp xúc với báo chí cũng như các phóng viên chiến trường của Việt Nam sau đó, cựu phóng viên chiến trường năm nay đã 81 tuổi, nhắc lại kỷ niệm lần đầu tiên ông được diện kiến tướng Giáp là năm 1995, ông đã trò chuyện, bắt tay tướng Giáp.
Trao đổi với báo chí, khi được đề nghị miêu tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng một từ, nhà báo kỳ cựu không ngần ngại thốt lên: “Genius” (thiên tài). Ông cũng “khoe” với các phóng viên Việt Nam và các phóng viên chiến trường Việt Nam tấm ảnh chụp chung với Đại tướng mà ông rất trân trọng.
Đến thăm gia đình Đại tướng tại ngôi nhà Đại tướng đã ở những ngày cuối đời tại Hà Nội, trước bàn thờ Đại tướng, cựu phóng viên chiến trường người Mỹ nói với ông Võ Hồng Nam, con trai út của tướng Giáp: “Tôi đã có cơ hội gặp cha anh và điều đó thật tuyệt vời. Cha anh rất hào hiệp với các phóng viên Mỹ, ông rất tôn trọng chúng tôi. Ông thực sự là một trong những vị tướng vĩ đại của thế kỷ 20. Ông không chỉ được các nhà báo mà cả các nhà sử học cảm kích”.
Từng là phóng viên hãng thông tấn AP trong chiến tranh Việt Nam suốt 13 năm (1962-1975), ông Arnett cùng các đồng nghiệp đều thán phục khi nghe lại những câu chuyện về chỉ huy tài ba của quân đội Việt Nam. Arnett nhắc đến câu chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với ông về đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh - tuyến vận tải huyết mạch nơi những đoàn quân, những chuyến hàng được chuyển vào Nam chủ yếu bằng sức người. Lắng nghe con của Đại tướng mô tả, phóng viên chiến trường của Mỹ năm xưa thốt lên: “Thật không thể tin nổi”.
Nhắc lại cơ hội phỏng vấn tướng Giáp năm 1994, ông Arnett kể Đại tướng nói đường mòn Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa sống còn đối với thành công của kháng chiến chống Mỹ. Nếu quân đội Mỹ thành công trong việc chặn đứng đường mòn thì việc tiếp đạn, tiếp quân… từ miền Bắc vào miền Nam sẽ khó và không có được thành công như ngày hôm nay. “Có rất nhiều trận đánh lớn ở chiến trường miền Nam, song có trận đánh nào quan trọng bằng việc giữ giao thông thông suốt ở đường mòn Hồ Chí Minh. Thậm chí tướng Westmoreland của Mỹ định trình Chính phủ Mỹ kế hoạch dùng bom hạt nhân vì dùng mọi cách đánh quân Việt Nam trên đường mòn này mà không thành công song Chính phủ Mỹ không tán thành đề xuất này” - phóng viên kỳ cựu Arnett kể.
Peter Arnett là một trong những phóng viên chiến tranh xuất sắc nhất của thế kỷ 20, từng làm việc cho hãng thông tấn Associated Press (AP), tạp chí “National Geographic” và nhiều hãng mạng truyền hình khác, trong đó có CNN và là người giành giải Pulitzer năm 1966 với loạt bài viết về Việt Nam. Ông đã viết hơn 3.000 bài báo về chiến tranh Việt Nam trong vai trò phóng viên chiến trường của AP tại miền Nam Việt Nam. Sau đó, ông tiếp tục có mặt tại những điểm nóng của thế giới như chiến tranh vùng vịnh, Afghanistan… và được đánh giá là một trong những phóng viên chiến trường lành nghề, kỳ cựu của thế giới.
Bình luận (0)