Giá bán lẻ các mặt hàng xăng tại nước ta hiện nay chưa có yếu tố cạnh tranh. Ảnh: Tấn Thạnh
Chia nhỏ hay cố định thị trường Petrolimex ?
Theo Bộ Công Thương, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện chiếm khoảng 55% thị trường xăng dầu cả nước, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) chiếm 25%, SaigonPetro chiếm 8%; còn lại hơn 10% thị phần là của 8 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu khác. Tại các vùng cạnh tranh cao như Hà Nội và TPHCM, thị phần của Petrolimex chiếm khoảng 40% nhưng tại các vùng xa như Lai Châu, Tây Nguyên, thị phần DN này có khi lên đến 100%.
Thạc sĩ Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng xóa bỏ độc quyền trong thị trường xăng dầu có thể theo hai cách. Phổ biến nhất là chia nhỏ Petrolimex. Giải pháp này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Petrolimex và có vẻ khó thực hiện được vì lý do (thậm chí là cái cớ) bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Giải pháp thứ hai là cố định thị trường của Petrolimex ở mức 55% bằng các rào cản hành chính để DN này bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng. Trong khi đó, tạo điều kiện để các DN khác chiếm 45% thị phần còn lại, đặc biệt là các DN nhỏ nhất ở phân khúc 10% được cạnh tranh để nâng dần thị phần. Thay vì có giá bán cố định theo Petrolimex, các DN này có giá bán thấp hơn và cạnh tranh với nhau về giá. DN có giá tốt sẽ được ưu đãi bằng quyền mở cây xăng, cấp hạn ngạch (quota).
Khuyến khích mọi thành phần tham gia
Thông qua sự cạnh tranh lành mạnh này, DN nhỏ sẽ tăng dần thị phần, khiến thị phần của Petrolimex dần bị thu hẹp lại. Cơ chế này cũng khuyến khích DN nâng cao năng suất, tăng khả năng quản trị kinh doanh để có điều kiện giảm chi phí, tiến tới giảm giá thành. Lúc đó, Petrolimex có tính chất là DN công ích nhiều hơn, hoạt động vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giá bán của Petrolimex là giá tham chiếu cho thị trường. Đây là bài học thành công từ thị trường viễn thông Việt Nam hơn 10 năm trước.
Theo PGS-TS Hoàng Trần Hậu, Học viện Tài chính, Nhà nước cần tiến hành cổ phần hóa Petrolimex ở khâu phân phối, còn khâu nhập khẩu vẫn phải duy trì độc quyền vì trong ngắn hạn, thị trường xăng dầu Việt Nam chưa thể có cạnh tranh tự do. PGS-TS Phan Huy Minh, Học viện Tài chính, đề xuất mạnh dạn hơn rằng không cần thiết phải có những DN kinh doanh xăng dầu lớn của Nhà nước mà cần tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế đều có quyền tham gia thị trường này nếu tuân thủ tốt các điều kiện giấy phép. TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng việc hạn chế cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu như hiện nay là không phù hợp. Còn theo PGS-TS Phan Duy Minh, cần xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu, tất cả các DN có đủ điều kiện đều được nhập khẩu với số lượng không hạn chế. Đồng thời khuyến khích các DN trực tiếp nhập khẩu từ bất cứ thị trường nào có lợi.
Nhà nước phải đảm nhiệm vai trò điều hòa
TS Vũ Đình Ánh cho rằng với cơ chế hiện nay, dù giá thế giới lên cao hay xuống thấp thì lợi ích chung của xã hội đều bị thiệt hại. Cụ thể, khi giá thế giới xuống thấp, giá bán trong nước thường không được điều chỉnh mà lại tăng phần thu của Nhà nước thông qua tăng thuế nhập khẩu và các khoản thu khác, thậm chí để DN có thể bố trí trả những khoản được Nhà nước bù lỗ trước đó. Ngược lại, khi giá thế giới lên cao, giá trong nước lại được điều chỉnh lên ít hơn và Nhà nước lại phải cắt giảm các khoản thu, có khi phải hỗ trợ tài chính thông qua DN (bù lỗ).
Cần thống nhất cách tính giá Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, nhận xét: Sự bất đồng quan điểm giữa hai bộ về cơ chế điều hành giá xăng dầu cho thấy cơ chế phối hợp giữa hai bên chưa chuẩn nên có độ trễ, sau đó không xử lý được. Thẩm quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu thuộc liên bộ nhưng vừa qua, việc giảm giá do một mình Bộ Tài chính quyết định. Tổ điều hành xăng dầu mỗi tháng họp một lần, trong khi giá xăng dầu trên thị trường diễn biến hằng ngày là một bất cập. Vì vậy, các bộ cần phải thống nhất cách tính giá xăng dầu. |
Bình luận (0)