* Phóng viên: Thưa ông, trong báo cáo kinh tế - xã hội năm 2016-2017, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ kiên quyết tinh giản biên chế. Đối với hệ thống hành chính nhà nước sẽ giảm 1,5%, tương ứng 3.868 người trong tổng biên chế. Ông có thấy khả thi?
- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Con số gần 4.000 người mà Thủ tướng đưa ra không phải là lớn so với tổng số người ăn lương nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, đó là một nỗ lực. Trong thực tế, từ lâu, biên chế chẳng những không giảm mà còn tăng lên thì việc giảm này là một điều đáng mừng. Nhưng quan trọng hơn là phải làm sao cho chất lượng công chức ngày càng nâng cao.
Ở nhiệm kỳ này, Chính phủ có định hướng xây dựng một Chính phủ năng động, hiệu quả, mang tính chất phục vụ. Đây là một định hướng, trên cơ sở đó tìm được bài toán để tinh giản biên chế thực sự.
* Về chất lượng công chức, gần đây xảy ra một số vụ việc khiến dư luận bức xúc như cán bộ thanh tra giao thông hành hung nữ nhân viên hàng không hay chuyện một sở ở tỉnh Hải Dương có 46 người thì 44 người là lãnh đạo. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
- Chất lượng công chức được đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết là kỹ năng làm cho bộ máy vận hành tốt, mang lại lợi ích cho xã hội. Điều thứ hai rất quan trọng là chuẩn mực của những người ăn lương nhà nước, là người đại diện cho nhà nước, ở đây có vấn đề đạo đức.
Trong xã hội truyền thống, một trong những phẩm chất rất quan trọng của người làm quan là tài giỏi và phải liêm chính. Một trong những phẩm chất đạo đức là sống phải có liêm sỉ, phải biết ngượng, sống xứng đáng với cái danh của mình. Ở đâu cũng có thể có côn đồ nhưng hành vi ấy gắn với một công chức, mà là công chức làm nhiệm vụ thanh tra giao thông - vốn phải có năng lực ứng xử giỏi với người dân, thì điều đó đi ngược tất cả những giá trị, để lại hình ảnh phản cảm rất lớn.
Còn chuyện ở Hải Dương, nếu thực như thế thì hết sức hài hước. Đó là bộ máy ăn bám thực sự bởi gắn liền với chức vụ là hưởng thụ, chế độ, chính sách. Một hình kim tự tháp ngược theo kiểu “nhiều thầy ít thợ” như thế cần điều chỉnh ngay.
Tôi nghĩ không chỉ ở Hải Dương mà có thể ở mức độ khác nhau nhưng sẽ có nhiều nơi cũng có tình trạng này vì chúng ta vẫn hay nhắc đến chuyện “mua quan bán chức”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Vì vậy, bên cạnh việc tinh giản biên chế thì cái khó là tăng chất lượng và hiệu quả của bộ máy công chức.
* Dư luận cũng đang quan tâm đến hiện tượng “cả họ làm quan”?
- Tôi xin nhắc lại câu của Thủ tướng đã nói: “Chúng ta tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”. Thực ra, cái chuẩn mực tìm người tài là đúng 100% nhưng có tìm người nhà hay không cũng phải quy về một mối. Đó là có tài hay không. Quan trọng nhất là tìm người tài, là cơ chế tìm người tài chứ không quá đặt nặng là người nhà hay không. Nhưng trong một xã hội không còn giữ được thăng bằng giá trị đời sống, trong đó có đạo đức, rõ ràng hiện tượng “một người làm quan cả họ được nhờ” phải được nhìn nhận ở góc độ không phải là truyền thống mà là tiêu cực.
Nói như vậy không phải chúng ta hoàn toàn quay lưng lại với việc lựa chọn những người có dòng dõi, có truyền thống gia đình nhưng phải hết sức chuẩn mực và điều đó chỉ có thể phát huy được nếu có sự giám sát của xã hội.
Thanh tra việc bổ nhiệm công chức ở Sở LĐ-TB-XH Hải Dương
Ngày 22-10, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thanh tra công vụ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Hải Dương. Nếu đúng như báo chí phản ánh, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng trước ngày 10-11. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương phải yêu cầu Sở LĐ-TB-XH giải trình việc 44/46 công chức của sở làm lãnh đạo, báo cáo cụ thể quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương, cho biết mới nhận nhiệm vụ tại sở này từ tháng 3-2016, chưa ký bất kỳ quyết định bổ nhiệm hay tuyển dụng cán bộ nào. Việc số lượng trưởng, phó phòng nhiều như hiện nay là tồn tại từ nhiệm kỳ lãnh đạo trước.
B.T.C
Bình luận (0)