Một buổi sáng giữa tháng 2-2017, người dân đi tập thể dục phát hiện mùi khét cùng đám khói bốc lên nghi ngút từ ngôi nhà cổ vắng chủ ở số 95 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhiều người hô hoán cùng nhau phá cửa xông vào dập lửa, di chuyển đồ đạc khỏi nhà để hạn chế thiệt hại. Một lúc sau, đám cháy được dập tắt với sự trợ giúp của lực lượng chức năng.
Trở nên xa lạ
Ngôi nhà bị cháy đang được một người nước ngoài thuê mở quán cà phê. Dù TP Hội An quy định chủ thuê nhà phải cử người túc trực vào ban đêm nhưng khi xảy ra cháy, ngôi nhà này không có ai ở. Sau vụ cháy, người dân Hội An không khỏi lo ngại trước thực trạng nhiều người không phải là dân bản địa chỉ xem phố cổ này là nơi để kinh doanh, buôn bán.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, biến động dân cư ở Hội An tỉ lệ thuận với sự phát triển của ngành du lịch. Theo một thống kê, chỉ sau 10 năm đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản Văn hóa thế giới (1999-2009), có đến 83 ngôi nhà cổ đã được chuyển nhượng, đổi chủ sở hữu và 181 căn cho thuê. Điều đó đồng nghĩa với việc 264 chủ nhà, chủ di tích - tương đương khoảng 3.000 cư dân phố cổ - đã phải rời khỏi nhà cửa của mình để nhường chỗ cho những người khác đến ở và kinh doanh.
Những năm gần đây, khách du lịch tăng mạnh, người từ địa phương khác và người nước ngoài đến Hội An sinh sống, kinh doanh ngày càng nhiều. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng số lượng nhà cổ đã bán và cho thuê là không hề nhỏ.
Mới đây, một nghiên cứu độc lập của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế - ĐH Showa và ĐH Chiba (Nhật Bản) cho thấy mặt tiền 4 con đường trong phố cổ có lưu lượng du khách lớn là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Lợi có 453 ngôi nhà cổ thì 409 căn đang sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu. Tỉ lệ giữa người tự kinh doanh và thuê kinh doanh là 2/1.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rất đông người thuê nhà và người làm thuê vốn không xuất thân từ Hội An, không sinh sống tại phố cổ, trong đó có không ít người nước ngoài. Nói cách khác, họ không có quan hệ sâu xa với phố cổ. Điều đáng lo ngại, những người bên ngoài vào phố cổ phần lớn ưu tiên hoạt động kinh tế nên ít nhiều ảnh hưởng đến “bảo tàng sống” Hội An.
Sống tại nhà 101 Trần Phú, ông Vương Long Dõng cho rằng ông nhận thấy nhiều phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của Hội An và cả tình người ngày càng phai nhạt, mất mát khi những ngôi nhà xung quanh gia đình ông đều đã cho thuê hoặc bán đi. “Tôi lo cuộc sống không còn sự đoàn kết, không có sự giúp đỡ như trước đây nữa mà lại đưa đến sự tan rã, mọi thứ dần trở nên xa lạ. Nếu cứ diễn biến như vậy thì đến một ngày nào đó, Hội An sẽ không còn là chính mình nữa” - ông Dõng băn khoăn.
Một tổ trưởng dân phố ở phường Minh An than vãn rằng công việc của ông gặp nhiều khó khăn vì tại Hội An đang tồn tại thực tế: người đăng ký thường trú thì sống ở nơi khác và ngược lại, người đăng ký tạm trú thì sinh sống tại phố cổ. “Họp tổ dân phố, tổ của tôi không có người dự vì không biết mời ai, ở đâu. Đến nhà thì không có người, trong khi nhân viên bán hàng nói không biết nên đành chịu” - ông dẫn chứng.
Ngoài biến động về dân số, một nỗi lo khác ngay trong lòng di sản là tình trạng di tích được sử dụng không đúng mục đích. Kết quả cuộc khảo sát do Trung tâm Quản lý - Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thực hiện mới đây cho thấy trong số 45 di tích được khảo sát thì có đến 24 di tích chưa đạt yêu cầu về mục đích sử dụng sau khi tu bổ. Cụ thể, việc sử dụng không gian bên trong của các di tích, nhà cổ đã thay đổi hẳn khi hầu hết đều được tận dụng để kinh doanh, không còn là nơi để thờ tự, ở hoặc sinh hoạt gia đình như trước.
Điển hình là nhà thờ tộc Tăng (16 Nguyễn Thị Minh Khai), một di tích đặc biệt ở Hội An từng được UNESCO trao giải thưởng danh dự năm 2009 dành cho công tác bảo tồn kiến trúc. Nhà thờ này có hình ống đặc trưng, được UNESCO đánh giá là một trong những địa điểm quan trọng ở Hội An, là điểm đến sinh động trong đô thị cổ, phục vụ không chỉ thành viên trong họ tộc, người dân địa phương mà cả khách tham quan. Tuy nhiên, sau khi được nhà nước đầu tư tiền tu bổ, ngoài chức năng thờ tự, hiện nhà thờ này còn được dùng để kinh doanh đồ lưu niệm, áo quần, phòng tranh…
Nhiều nhà thờ khác trên đường Trần Phú như nhà thờ tộc Phạm, nhà thờ tộc Lâm, nhà thờ tộc Tạ… cũng không còn đơn thuần là nơi thờ tự mà đều được tận dụng để kinh doanh, buôn bán. Việc thay đổi chức năng này khiến nhiều người lo ngại bố cục những ngôi nhà truyền thống bị biến dạng trước nhu cầu mở rộng diện tích kinh doanh để tăng không gian cho trưng bày hàng hóa.
Bình tĩnh đối mặt
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý - Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, cho rằng điều nguy hiểm nhất đối với phố cổ hiện nay là biến động dân cư. Dân cư thay đổi dẫn đến thay đổi giá trị văn hóa chủ thể, tức là phần hồn của phố cổ.
“Khi con người thay đổi thì yếu tố văn hóa truyền thống cũng thay đổi theo. Người ta không ở, không sinh hoạt mà chỉ buôn bán thì các phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự sẽ mất đi. Ngay cả các món ẩm thực truyền thống cũng bị thương mại hóa, là nó mà không phải nó. Bánh xèo nhưng không phải bánh xèo, cao lầu nhưng ăn thì không phải cao lầu... Bởi lẽ, chúng đã mất đi những giá trị truyền thống vì không phải là món ăn của những con người bản địa làm ra. Đó là cái mất về văn hóa” - ông Trung lo ngại.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, tình trạng cho thuê, buôn bán nhà cổ đang là vấn đề nan giải của Hội An. TP từng đặt vấn đề mua lại một số ngôi nhà cổ người dân bán nhưng giá quá cao...
Hiện nay, Hội An đưa ra một số biện pháp không được tích cực lắm, như: yêu cầu người mua nhà tổ chức các hoạt động thờ cúng vào ngày rằm, mùng một âm lịch để phố cổ được ấm cúng, giữ được nét văn hóa vốn có. Trường hợp không quá bức bách thì TP tích cực vận động không nên bán nhà để giữ lại phần hồn của phố cổ. Với những trường hợp muốn bán, TP vận động ưu tiên bán cho người Hội An hoặc người có nhu cầu ở, không nên bán cho người chỉ có nhu cầu kinh doanh…
“Chúng tôi kêu gọi dù là ai, dù ở đâu chăng nữa, khi đến với Hội An thì hãy xem đây như quê hương của mình. Làm kinh tế phải gắn với bảo tồn, muốn làm ăn kinh tế lâu dài thì phải góp phần bảo vệ di sản” - ông Sơn mong mỏi.
Ông Nguyễn Chí Trung cho rằng biến động dân cư ở Hội An mang tính truyền thống, xuyên suốt trong lịch sử. Vì thế, cần phải bình tĩnh đối mặt lịch sử, đối mặt thực tiễn mà không thể xua đuổi, cấm cản.
“400-500 năm trước, Hội An cũng là nơi mà người ngoài Bắc, người Trung Hoa, Nhật Bản hội nhập, buôn bán làm ăn. Sự hội nhập dân cư tạo nên hội nhập văn hóa và nó phát triển đến bây giờ. Ngày xưa, các chúa vẫn bình tĩnh tiếp nhận dân cư đó, xem họ như dân địa phương, bố trí điểm kinh doanh, buôn bán và làm nên di sản Hội An ngày nay. Giờ đây, Hội An cũng lặp lại chu kỳ lịch sử như vậy. Nghĩ cho cùng, đó là quy luật phát triển, chúng ta phải bình tĩnh đối mặt, điều chỉnh, điều tiết cho phù hợp” - ông Trung nhận xét.
Quá nhiều nỗi lo
Theo ông Nguyễn Chí Trung, những người thực hiện công tác quản lý, bảo tồn di sản ở TP Hội An hiện còn rất lo ngại về tình trạng cháy nhà cổ. Hội An đã xây dựng đề án lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động nhưng chưa có kinh phí thực hiện. TP cũng đang tính đến việc có nên hạn chế số lượng khách vào khu vực phố cổ hay không.
Ông Trung cho biết có nhiều ngày du khách đổ về quá đông mà không kiểm soát được, gây phản cảm; du khách cũng không thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của phố cổ. Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông ở TP Hội An, cũng chưa bảo đảm.
Bình luận (0)