* Phóng viên: Ông bình luận gì trước ý kiến cho rằng hành động ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của tàu hải giám Trung Quốc là một phép thử liều lĩnh?
- TS Đinh Hoàng Thắng: Đây không chỉ là phép thử mà còn là bước leo thang mới, nghiêm trọng của Trung Quốc.
Trước đây, họ thường gây sự ở những vùng tranh chấp, nhưng lần này, họ xâm phạm trực tiếp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta. Giống như một kẻ thảo khấu, nhảy vào sân nhà của anh phá phách, rồi “la làng” rằng đấy là vùng tranh chấp và đổ cho anh là bên gây sự.
Nghĩa là Trung Quốc đang biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông thành khu vực tranh chấp. Đó là một hành động nguy hiểm, xảo trá, kiểu “lập lờ đánh lận con đen”.
* Phải chăng Trung Quốc đang hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” mà họ công khai cách đây 2 năm?
- Đúng là Trung Quốc đã có ý đồ hiện thực hóa “đường lưỡi bò” ngay sau khi đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào tháng 5-2009. Không chỉ chúng ta, một loạt quốc gia ASEAN tiếp giáp biển Đông như Philippines, Indonesia, Malaysia... đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ ý đồ này.
Trước những phản ứng đó, Trung Quốc đã thấy không dễ hiện thực hóa “đường lưỡi bò” hay còn được gọi là đường khúc 9 đoạn. Chúng ta không phải là nước đầu tiên Trung Quốc áp dụng phép thử liều lĩnh này.
Họ đã từng làm như vậy với Philippines và Malaysia. Lúc đó, hai nước này đã cho máy bay ra đuổi tàu Trung Quốc. Về ngoại giao, họ cũng phản ứng quyết liệt trước hành động được xem là đòn “nắn gân” của Trung Quốc.
Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc giống như chiếc “lưỡi bò” trên biển
vô cớ vẽ sát vào bờ các nước ven biển Đông
* Theo ông, Trung Quốc sẽ còn những bước đi và hành động nào để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”?
- Điều này trước hết phụ thuộc vào mức độ phản ứng của chúng ta trước “phép thử” của Trung Quốc. Chúng ta từ trước tới nay luôn chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng con đường ngoại giao và đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Có hai tài liệu rất cơ bản thường được viện dẫn là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Song với lần này, chúng ta phải có phản ứng đủ độ hơn trước đối với hành động ngang ngược và trắng trợn của Trung Quốc.
Chúng ta phản ứng đủ độ thì Trung Quốc chắc chắn phải suy nghĩ trước khi có những hành động leo thang tiếp theo. Trong trường hợp chúng ta phản ứng không đủ độ, dứt khoát Trung Quốc sẽ lại lấn tới.
* Vậy Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gây ra các xâm phạm tương tự với các nước ASEAN khác nằm trong “đường lưỡi bò” này?
- Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động tương tự. Trung Quốc đã xâm phạm Philippines, Malaysia và nay tới lượt Việt Nam thì không có gì bảo đảm họ không áp dụng chiêu của kẻ mạnh này với những quốc gia và khu vực còn lại.
Nếu các nước trong khu vực không đồng tâm, không thống nhất với nhau về quan điểm và đặc biệt không kiên định thúc đẩy DOC thành bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) thì Trung Quốc sẽ lợi dụng “sự phân thân” này trong bó đũa ASEAN để bẻ gãy dần từng chiếc một.
* Liệu tới đây, Trung Quốc có tính tới việc dùng vũ lực để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”?
- Việc Trung Quốc đã huy động tàu hải giám mà thực chất là tàu chiến trá hình vào phá phách, cản trở và thậm chí bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam, cho thấy nguy cơ họ không từ bỏ dã tâm và bất cứ phương tiện nào trong việc thực hiện tham vọng của họ đối với biển Đông.
Trên thực tế, hơn một lần họ đã dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, nhất là đối với ngư dân Việt Nam làm ăn trên vùng biển của cha ông mình.
Tuy nhiên, để kích hoạt thành xung đột lớn, để chiếm đảo, cướp biển, hiện thực hóa “đường lưỡi bò” thì Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ hai lần trước khi hành động. Trên vùng biển này, ngày nay không chỉ có Trung Quốc. Hơn nữa, thế giới đang tái cấu trúc quyền lực ghê gớm mà Trung Quốc không thể xem thường.
Tuy nhiên, sự do dự, tư duy kiểu “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” trong một số thành viên ASEAN có thể kích thích sự thèm khát của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý của họ.
* Theo ông, Việt Nam và ASEAN nên phản ứng thế nào là đủ độ nhằm ngăn chặn Trung Quốc thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò”?
- Đủ độ ở đây là đủ trên tất cả các cấp độ của quan hệ lẫn đủ mọi chiều kích của phản ứng! Ở cấp độ song phương, tôi cho rằng quan điểm của Việt Nam đã thể hiện rất rõ tại cuộc họp báo chiều 29-5 của Bộ Ngoại giao.
Hãy chú ý tới việc lần đầu tiên Việt Nam nhấn mạnh rằng không có một thỏa thuận cấp cao nào cho phép Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam để cản trở các hoạt động sản xuất.
Và bên cạnh nhà nước hóa, quốc tế hóa, chúng ta không nên ngần ngại nhân dân hóa cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đừng quên ngoại giao nhân dân của ta từng là điểm son trong các cuộc kháng chiến trước đây.
Ở cấp độ khu vực, ASEAN phải thực sự kề vai sát cánh thúc đẩy DOC thành COC để có những ràng buộc về pháp lý, thể chế nhằm buộc nước lớn như Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đừng rơi vào cạm bẫy song phương trong vấn đề biển Đông.
Các nước ASEAN không có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông đừng hỏi “chuông nguyện hồn ai” khi đứng ngoài cuộc. Nếu Trung Quốc hiện thực hóa được “đường lưỡi bò” thì chuông nguyện chính hồn cả những nước không có tranh chấp, bởi an ninh và tự do hàng hải trên biển Đông là một và không thể chia cắt.
Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc và tòa án quốc tế bởi Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc sơ đẳng nhất của luật pháp quốc tế và đạo lý bình thường nhất giữa các quốc gia.
Phản ứng của Việt Nam và ASEAN cần đồng bộ ở 3 cấp độ: Song phương, khu vực và toàn cầu như tôi vừa nói thì mới gọi là đủ độ trong việc huy động “sức mạnh mềm”.
Không nhân nhượng
TS Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh: Khi Trung Quốc đẩy chúng ta đến chỗ không còn sự lựa chọn nào khác là lúc mọi cánh cửa ngoại giao và đấu tranh dư luận bị Trung Quốc đóng sập. Chúng ta không phải không chuẩn bị cho tình huống này. Nếu theo dõi quá trình đầu tư xây dựng lực lượng hải quân và sự khẳng định hôm 29-5 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì tin chắc rằng chúng ta không nhân nhượng một tấc đất, tấc biển của Tổ quốc. Nhưng phải biết kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”. |
Vô lý “đường lưỡi bò”
Ngày 7-5-2009, trong công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện đường yêu sách 9 đoạn, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, của mình trên biển Đông. Theo đó, Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền với các đảo ở biển Đông và các vùng nước kế cận, có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó.
“Đường lưỡi bò”, “chữ U” hay “đứt đoạn 9 khúc”... đều là cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Có nơi “đường lưỡi bò” cách bờ biển của các nước chỉ có 50 km. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc Dân Đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó, được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn).
Tất cả các nước ASEAN nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đều phản đối quyết liệt yêu sách này của Trung Quốc. Xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý quốc tế và không ai có thể chấp nhận được. |
Bình luận (0)