Ngày 24-12, Văn phòng Công tố Hàn Quốc đề nghị bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Hàng không Korean Air Cho Hyun Ah - con gái Chủ tịch Tập đoàn Korean Air - vì vi phạm Luật An toàn hàng không, cưỡng ép và can thiệp vào việc thực thi nhiệm vụ của tiếp viên.
Trước đó, bà Cho đã bị cách chức, phế truất tất cả chức quyền ở các công ty liên kết và phải cúi đầu xin lỗi toàn thể người dân Hàn Quốc bởi cách hành xử cậy thế hống hách, sỉ nhục người khác.
Trông người lại ngẫm đến ta. Một ông tướng công an xây biệt thự không phép to tướng ở một thành phố trực thuộc trung ương kéo dài nhiều năm nhưng “không ai làm gì được”. Một cán bộ địa chính xã cố tình tẩy xóa hồ sơ đất để xin cấp sổ đỏ, vi phạm quy định của pháp luật nhưng UBND xã và huyện chỉ kỷ luật khiển trách. Ông trưởng ban quản lý các dự án tái định cư bố trí sai quy định và vượt thẩm quyền 41 lô đất, trong đó có 2 lô trị giá hơn chục tỉ đồng cho vợ nhưng 4 năm chưa bị xử lý...
Ngược lại, 4 học sinh ở Hải Phòng giật nón bạn học, bị phạt tù; một người ở Đồng Tháp vì muốn có tiền đi thăm con nằm bệnh viện, trong lúc túng quẫn đã đem dao ra đường làng, chặn cướp 190.000 đồng, bị phạt 7 năm tù; một cựu chiến binh cất chòi lá bán quán nước bị cưỡng chế, tháo dỡ ngay lập tức...
Điều gì đang xảy ra? Hệ thống pháp luật của nước ta có thể nói đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng vì sao pháp luật vẫn chưa công bằng đối với tất cả mọi người?
Câu trả lời là do chính người áp dụng pháp luật không nghiêm, thậm chí có hiện tượng “bẻ cong” theo hướng có lợi cho một người hoặc một nhóm người nào đó mà người áp dụng pháp luật hướng tới. Hàng loạt sự việc xảy ra gần đây cho thấy việc áp dụng pháp luật của cơ quan pháp luật hoặc người có trách nhiệm đang có “vấn đề”, thiếu công bằng giữa các chủ thể vi phạm pháp luật, “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Cách xử lý vì vậy rõ ràng là không ổn trong nhiều trường hợp. Như vậy, pháp luật không có lỗi, mà lỗi nằm ở người “cầm cân nảy mực”.
Trở lại vụ việc ở Hàn Quốc, không phải họ văn minh hơn xứ ta mà cái chính là áp dụng pháp luật nghiêm hơn. Nguyên tắc áp dụng pháp luật của họ rất đơn giản nhưng rất công bằng: Quan hay dân vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật.
Đảng, nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng một nhà nước pháp quyền, không ai được quyền đặt mình đứng ngoài luật pháp. Thế nhưng, khi triển khai trong thực tiễn, càng xuống dưới cơ sở thì tinh thần ấy càng bị biến tướng, nể nang, bao che lẫn nhau. Chính vì thế, người dân mất dần lòng tin vào một bộ phận đội ngũ thực thi pháp luật, dẫn đến coi thường pháp luật, kỷ cương phép nước. Nguy hiểm hơn, không ít trường hợp quan niệm dùng tiền có thể “bẻ cong” công lý.
Bình luận (0)