Liên tiếp 2 ngày qua, nắng nóng dữ dội ở các tỉnh, thành ở miền Trung khiến nhiều cánh đồng thiếu nước nghiêm trọng, dịch bệnh gia tăng, đời sống người dân đảo lộn.
Ngột ngạt, mất mùa, thiếu nước
Tại TP Đà Nẵng, mới 8 giờ nhưng nhiều người phải đổ ra Công viên 29-3 tìm bóng cây tránh nắng. Nhất là buổi trưa, nhiệt độ lên đến 39oC khiến nhiều người không dám ra đường.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương bán rau ở chợ Hàn, cho biết ngày bình thường bán đến 12 giờ là dọn quầy để về phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, cách chợ Hàn chừng 5 km ăn cơm cùng gia đình nhưng 2 ngày qua, nắng nóng khủng khiếp nên đành ở lại chợ ăn cơm bụi để chiều còn bán rau. Trong khi đó, hơn 1.000 ha lúa đang thời kỳ chuẩn bị trổ bông và hàng trăm hecta hoa màu của nông dân Đà Nẵng cũng đang chịu cảnh thiếu nước, nguy cơ khô hạn gây mất mùa.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, nguồn cung ứng nước sinh hoạt tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ đã nhiễm mặn nên công ty cấp nước phải bơm nước tại đập An Trạch đưa về. Tuy nhiên, với đà nắng nóng như thế này, cùng với việc các thủy điện không chịu xả nước về sông Vu Gia thì nguy cơ gần 1 triệu dân Đà Nẵng thiếu nước là rất lớn.
Theo Công ty Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi, mực nước ở 17 hồ thủy lợi trong toàn tỉnh đang sụt giảm từng ngày, một số hồ chỉ còn lượng nước khoảng 40%. Nguy cơ vụ hè thu thiếu nước tưới trầm trọng. Tại các vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi, nắng nóng kéo dài khiến gia súc, gia cầm bị chết, diện tích hoa màu nhiều nơi hư hỏng; trên các con sông lớn như Trà Khúc, Trà Bồng… mực nước bị tụt nghiêm trọng.
Tại Bình Định, do không chịu nổi nắng nóng nên người dân kéo nhau ra biển. Dọc bãi biển Quy Nhơn, từ đường Xuân Diệu cho đến An Dương Vương, bãi tắm nào cũng đông nghịt người, cả sáng lẫn chiều. Nắng nóng cũng khiến bà con làng rau phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) điêu đứng. Nguồn thu nhập chính của họ đang “chết đứng” vì cây chết khô, hạt giống không mọc mầm nổi.
Người lớn, trẻ em đổ bệnh
Nắng nóng bất thường khiến hàng loạt trẻ em nhập viện. Tại Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, số trẻ em nhập viện tăng cao.
Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn và Bệnh viện Đa khoa Bình Định cũng luôn trong tình trạng chật kín. Nắng nóng, chật chội khiến các bệnh nhân càng khó chịu hơn. Các bệnh viện tuyến huyện như An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, mỗi ngày có hàng trăm ca nhập viện với các triệu chứng sốt siêu vi, sốt xuất huyết và các bệnh về đường tiêu hóa. Các bệnh viện tuyến miền núi cũng luôn quá tải, đa số bệnh nhân là trẻ em và người già.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định, cho biết thời điểm này là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Chim yến chết như rạ Khoảng 1 tuần qua, thời tiết ở tỉnh Ninh Thuận nóng bức dữ dội, nhiệt độ luôn dao động trong khoảng 38oC-39oC khiến đàn chim yến nuôi của nhiều hộ dân bị chết hàng loạt. Trước tình trạng này, sáng 6-4, Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận và chính quyền địa phương đã kiểm tra lấy mẫu bệnh phẩm tại một số cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn TP Phan Rang - Tháp Chàm để xét nghiệm. Chủ một cơ sở nuôi chim yến lớn nhất tại TP Phan Rang - Tháp Chàm cho biết sau khi phát hiện chim chết bất thường, cơ sở đã cho nhân viên đi kiểm tra sức khỏe.
L.Trường |
Bình luận (0)