Ngày 26-11, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình, cho biết đơn vị này vừa giám định 2 đồng tiền thời nhà Nguyễn, được gia đình ông Ngô Thanh Ánh (trú xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) phát hiện.
Theo đó, vào ngày 8-11, trong khi đào đất trong nhà, gia đình ông Ánh phát hiện 2 đồng tiền có kích thước rất lớn, sau đó ông Ánh đã đưa đến Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình để giám định. 2 đồng tiền trên có đường kính 12cm, bề dày 5mm. Đồng tiền có lỗ vuông, mỗi cạnh lỗ là 14cm.
Hai đồng tiền này gắn với tên của 2 vị vua đầu tiên dưới thời nhà Nguyễn là “Gia long thông bảo” và “Minh Mạng thông bảo”. Loại tiền này dùng để ban thưởng chứ không có chức năng sử dụng để trao đổi, mua bán.
Ở đồng “Gia long thông bảo” mặt lưng tiền có hình hoạ một con rồng đầu đang hướng đến mặt trời, xung quanh có hoa văn mây, có niên đại được xác định khoảng từ năm 1902-1819. Theo sử sách ghi lại, vào tháng 11-1803, vua Gia Long cho đúc tiền ở Bắc Thành va Gia Định cùng các trấn đúc tiền Gia Long thông bảo, cứ mỗi cân đồng đúc được 700 đồng tiền. Riêng tiền đúc dùng để ban thưởng do Triều đình độc quyền.
Còn ở đồng “Minh Mạng thông bảo” thì mặt lưng tiền có hình cổng Ngọ Môn (Huế) và có dòng chữ ở gốc dưới được khắc bằng chữ Hán “Đại Nam quốc khí bảo” được tạm dịch là “Đồ vật quí của nước Đại Nam” (tức nước Việt Nam dưới thời triều đình nhà Nguyễn). Dưới thời vua Minh Mạng, tháng 9-1816, nhà vua cho phát hành đồng Minh Mạng thông bảo, những đồng tiền dùng để sử dụng, trao đổi, mua bán thì chỉ có mặt chữ của triều đại, còn những đồng tiền dùng để ban thưởng thì mặt lưng tiền thường có chữ Hán. Dưới thời vị vua này, đồng tiền “Minh Mạng thông bảo” có niên đại trong khoảng từ 1820-1840.
Theo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, trong một số sách đã tin về tiền đồng các loại chưa có sách nào nói về loại tiền đồng vừa được phát hiện trên, ở Bảo tàng chỉ đang lưu giữ loại tiền ban thưởng của vua Minh Mạng có kích thướng chỉ 6-7 cm chứ chưa có loại nào lớn đến 12 cm.
Bình luận (0)