Ngày 28-5, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ đại biểu trí thức TP.
Thực hiện 4 giảm, 4 tăng
Mở đầu buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu trả lời hàng loạt câu hỏi như: TP HCM đang ở đâu? Làm thế nào để kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn nữa? Vì sao TP HCM thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thấp hơn bình quân cả nước? Làm sao tăng thu hút vốn FDI? TP HCM thiếu động lực làm việc tốt hơn cho cán bộ - công chức (CB-CC)?...
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, các bài toán lớn đặt ra cho TP HCM hiện nay là: Phát huy nguồn lực con người; phát huy tài nguyên đất; phát huy nguồn lực của doanh nghiệp (DN) FDI, DN tư nhân và DN nhà nước; liên kết hợp tác để phát triển; TP HCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, đáng đến; hoàn thiện cơ chế, thể chế để phát triển cùng cả nước.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 từ trái sang) và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang (bìa phải) trao đổi với các đại biểu
Về vấn đề phát huy nguồn nhân lực, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đầu tiên là con người trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, chính quyền phải trong sạch, vững mạnh; CB-CC phải lắng nghe dân, biết sợ dân khi dân không hài lòng; đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ pháp luật, làm theo các nghị quyết của Đảng và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá công việc... Bí thư Thành ủy cũng đặt hàng các nhà khoa học, trí thức hiến kế để đội ngũ CB-CC phục vụ nhân dân tốt hơn nữa.
TP HCM hiện có 2 triệu người lao động, trong đó 30% tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đây là lợi thế. TP còn có 600.000 sinh viên, đây là nguồn nhân lực quý. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề làm sao để phát huy trí tuệ, năng lực của đội ngũ này. Ngoài ra, ông cũng cho rằng TP HCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, nơi đáng đến. Để làm được điều đó, cần có chính quyền thông minh (quy hoạch thông minh, điều hành thông minh, người dân đánh giá chính quyền và công chức); công dân thông minh (tự học liên tục, sống trong hai không gian thực và mạng, cảm biến xã hội, hiến kế phát triển TP, giám sát chính quyền, gia đình hạnh phúc); DN thông minh (đồng hành cùng chính quyền trong quy hoạch phát triển TP, đầu tư kinh doanh trong hai không gian, giám sát chính quyền); dịch vụ thông minh (dịch vụ theo nhu cầu xã hội và cá thể, dịch vụ trong hai không gian, hỗ trợ cuộc sống cá nhân, gia đình, hoạt động cộng đồng).
Bên cạnh đó, TP HCM phải thực hiện được 4 giảm (ngập nước, ô nhiễm môi trường, kẹt xe, tội phạm), 4 tăng (thu nhập bình quân đầu người, quy mô và chất lượng sinh hoạt cộng đồng, chất lượng tài nguyên văn hóa của TP, sự hài lòng của người dân).
Quan tâm đến vấn đề dân sinh
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, cho biết liên hiệp là nơi tập hợp các trí thức khoa học, công nghệ để đóng góp cho TP với trên 60.000 hội viên và 48 hội thành viên. Trong thời gian qua, liên hiệp đã tư vấn phản biện xã hội, tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến các vấn đề về cây xanh, bãi đậu xe thông minh, dự án vận tải hành khách công cộng…
Ông Giao mong muốn hội đồng khoa học được tham gia tổng kết các chương trình, đề án thí điểm của TP nhằm nâng lên lý luận đóng góp cho trung ương. "Ngoài các cuộc lãnh đạo TP gặp gỡ giới trí thức chung, cần có những cuộc gặp gỡ riêng theo từng nhóm đối tượng, từng chuyên đề để giới khoa học thông tin thêm với lãnh đạo TP" - ông Giao đề nghị.
Đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, Chủ tịch Hội Hóa học TP - cho rằng đây là bài toán lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Hiện nay, TP đi tiên phong trong việc thành lập Ban Quản lý ATTP để tránh chồng chéo trong quản lý. Nếu quyết tâm làm, TP thừa sức giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến ATTP.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM, góp ý TP 5 giải pháp để giảm ùn tắc giao thông: Tăng cường năng lực vận tải hiệu quả của các chương trình giao thông công cộng theo 3 nhóm cụ thể; quy hoạch và đổi mới hệ thống quản lý giao thông công cộng theo 5 nhóm cụ thể; đề ra chính sách quản lý giao thông đô thị một cách thông minh, hợp lý với 6 tiêu chí đặc trưng của TP; có lộ trình hợp lý và minh bạch để kiểm soát lưu thông xe cá nhân trên địa bàn; tổ chức thực hiện cụ thể.
Thay mặt cho giới trẻ, ông Trần Hữu Đoàn, Giám đốc Công ty Việt Sin, góp ý về vấn đề khởi nghiệp. Theo ông, cần "đột phá" để xóa bỏ cơ chế cũ; có cơ chế đào tạo bài bản đội ngũ CEO; cởi bỏ rào cản về cơ chế cho các trường đại học; nguồn vốn phải làm sao giúp người khởi nghiệp tiếp cận dễ dàng, khả thi hơn…
Thu hút chuyên gia khoa học
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong thời gian qua, TP đã ban hành nhiều chính sách phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ trí thức để tạo sự gắn kết với TP. Đồng thời, thực hiện chính sách thu hút chuyên gia khoa học tham gia hiến kế giúp TP phát triển hơn nữa. Đây được xem là cơ chế đặc biệt để tạo sự đột phá, thể hiện việc ưu đãi về lương, phụ cấp, chế độ làm việc, môi trường làm việc, chỗ ở… Bên cạnh đó, TP đã ban hành quy định như sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP, phê duyệt các chương trình phát triển công nghệ, ban hành quy chế giải thưởng sáng tạo…
TP HCM cũng đã thành lập hội đồng khoa học gồm những nhà khoa học danh tiếng. Hội đồng này đã cho ý kiến rất nhiều vấn đề của TP như ngập nước, kẹt xe...
Bình luận (0)