Việc Công ty CP Du lịch Biển Tiên Sa phá rừng bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), làm 40 móng biệt thự khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện khiến người dân lo ngại “lá phổi xanh” của TP Đà Nẵng bị xâm hại nghiêm trọng. Đáng nói hơn, đằng sau vụ việc nghiêm trọng này, một đề án quy hoạch phát triển du lịch có nguy cơ băm nát bán đảo Sơn Trà nhiều hơn.
Quy hoạch “hốt” 448 ha rừng
Nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng 10 km về phía Đông Bắc, ở độ cao 693 m so với mực nước biển, bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích 4.439 ha được xem như viên ngọc quý mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho TP này. Không những thế, Sơn Trà còn là “lá phổi xanh” với thiên nhiên trong lành và hệ động - thực vật phong phú.
Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 8-1-2014 về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bán đảo Sơn Trà nằm trong danh mục khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia với diện tích bảo tồn 3.871 ha.
Tuy nhiên, đến ngày 9-11-2016, sau khi xét đề nghị của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Quyết định số 2163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, diện tích khu vực tập trung phát triển khu du lịch quốc gia là 1.056 ha. Như vậy, so với 3.871 ha trong phạm vi bảo tồn mà Thủ tướng phê duyệt năm 2014 thì phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch ký năm 2016 đã lấy thêm 488 ha trong phê duyệt khu bảo tồn. Chính điều này khiến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà trở nên chật hẹp, bị xâm hại nghiêm trọng.
Đáng chú ý là theo phê duyệt, khu du lịch Sơn Trà sẽ phát triển “trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, là điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia”. Chỉ tiêu định hướng đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt du khách, trong đó khách lưu trú 180.000 lượt và khách tham quan các điểm di tích văn hóa - tâm linh khoảng 2,7 triệu lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt du khách (khách lưu trú 300.000 lượt); hình thành các trung tâm, cụm dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp quy mô, đến năm 2030 có khoảng 1.600 phòng khách sạn.
Giới chuyên môn lo ngại quy hoạch trên sẽ băm nát bán đảo Sơn Trà. Thực tế thì nguy cơ này đã hiển hiện trước mắt với việc hàng chục móng biệt thự nghỉ dưỡng xây dựng trái phép vừa bị phát hiện.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng hiện có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón 15 triệu lượt du khách mỗi năm nên không cần đến khu du lịch.
Nhất thiết giữ nguyên trạng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM), một hãng kiến trúc và xây dựng lớn của Mỹ, đã thực hiện đề án quy hoạch bán đảo Sơn Trà cho TP Đà Nẵng. Đề án này nhận được giải thưởng “Thiết kế vùng và đô thị năm 2014” của Viện Kiến trúc Mỹ. Quy hoạch do SOM thực hiện rất chú trọng đến việc bảo tồn thiên nhiên ở bán đảo Sơn Trà nhưng đáng nói là không được xem xét để đưa vào quy hoạch.
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, nếu làm theo quy hoạch của SOM thì sẽ bảo tồn được Sơn Trà. Ngược lại, với phê duyệt hiện nay thì “lá phổi xanh” này sẽ bị biến thành một khu du lịch thuần túy. Khi đó, các điểm lưu trú, khu vui chơi giải trí với mật độ lớn sẽ thu hẹp diện tích rừng, làm gia tăng tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên, gia tăng áp lực, khả năng tìm kiếm thức ăn và nơi ẩn nấp của những sinh vật dễ bị nguy hại, dễ bị tuyệt chủng...
Ông Vinh còn cảnh báo hoạt động xây dựng nhiều công trình khách sạn nếu không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng, ảnh hưởng đến chiến lược phòng thủ quốc gia một khi các doanh nghiệp chuyển giao dự án cho đối tác nước ngoài theo Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, ông Vinh kiến nghị Thủ tướng nên giữ nguyên trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà.
“Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Phải hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế - xã hội của dân cư” - ông Vinh góp ý.
ThS sinh học Nguyễn Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (TP Đà Nẵng), cho rằng việc quy hoạch phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái của bán đảo, phá vỡ hệ sinh thái được hình thành từ xưa đến nay. Quy hoạch cũng khiến diện tích rừng tự nhiên giảm dần, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật, mất tính liên tục của hệ sinh thái từ rừng xuống biển.
Bên cạnh đó, theo ông Vỹ, nếu diễn ra các hoạt động xây dựng ở chân núi cùng với việc kiểm soát môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến khu bảo tồn san hô của bán đảo. “Một khi vùng đệm này bị phá hủy thì vùng lõi của Sơn Trà, tức khoảng 2.591 ha rừng đặc dụng, sẽ khó giữ” - ông cảnh báo.
Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, cho rằng khu vực Sơn Trà từ độ cao 30 m trở lên tuyệt đối không được đụng vào. Đối với độ cao từ 30 m trở xuống, có thể xây dựng hay làm gì đó nhưng không được thay đổi địa hình.
Thiếu tướng Hùng đặc biệt lưu ý bán đảo Sơn Trà là nơi đóng quân của nhiều lực lượng vũ trang như Bộ đội Biên phòng, Vùng 3 Hải quân nên nếu xây dựng khu du lịch sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Ông nhấn mạnh: “Đây là khu vực phòng thủ không chỉ của Đà Nẵng mà còn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Làm biến dạng Sơn Trà là nhất quyết không được”.
Chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng
Tại cuộc họp ngày 23-3, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo về vụ xây 40 móng biệt thự trái phép ở bán đảo Sơn Trà cùng với 2 vụ xây “chui” tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Central Coast và cơ sở kinh doanh trà trong khuôn viên Công ty TNHH Liên Hợp Thế Duy.
Sau khi nghe báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các sở - ngành chức năng nghiêm túc chấn chỉnh công tác quản lý, không để tái diễn tình trạng nêu trên.
Chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”
Sau khi viết tâm thư kiến nghị Thủ tướng “cứu” Sơn Trà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, đã bị Sở Du lịch TP “phản pháo”. Sở này cho rằng văn bản kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà - TP Đà Nẵng” là việc làm mang tính cá nhân của ông Vinh chứ chưa phải tiếng nói của hiệp hội. Bởi lẽ, qua kiểm tra thông tin với các phó chủ tịch và tổng thư ký của hiệp hội thì ông Vinh chưa trao đổi nội dung, chưa thông qua thường trực, ban chấp hành hiệp hội.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã liên hệ với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - đơn vị được giao lập quy hoạch - để đề nghị giải trình những thông tin, số liệu liên quan trong văn bản mà ông Vinh kiến nghị. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ làm việc với Thường trực Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng để trao đổi về vấn đề này.
Trái ngược với phản ứng của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tâm thư của ông Vinh gửi Thủ tướng nhận được sự đồng thuận rất cao của dư luận. Nhiều người cho rằng mong muốn của ông Vinh cũng là mong muốn của người dân nên rất được hoan nghênh, lắng nghe. Với riêng ông Vinh, khi được hỏi có hối tiếc hay không khi gửi tâm thư lại gặp rắc rối, ông khẳng khái: “Không hề hối tiếc! Việc làm của mình là vì mục đích chung tay bảo vệ Sơn Trà - Lá phổi xanh của Đà Nẵng”.
Bình luận (0)