Thực ra, dự án khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa này được cấp phép từ nhiều năm trước nhưng do điều chỉnh hồ sơ nhiều lần nên chậm. Mới đây, trong lúc chờ UBND TP Đà Nẵng cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án theo hồ sơ đã điều chỉnh thì chủ đầu tư ngang nhiên đưa các máy móc, phương tiện đến cày múc, đào bới nham nhở một phần trên núi Sơn Trà.
Nhìn Sơn Trà - “lá phổi xanh” của Đà Nẵng - bị đâm thủng, người dân thành phố biển này tức tưởi và lập tức đặt câu hỏi vì sao phải cho làm dự án ở Sơn Trà - nơi không chỉ có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh mà còn là khu bảo tồn thiên nhiên quý hiếm với hơn 300 cá thể voọc chà vá chân nâu đang sinh sống.
UBND TP Đà Nẵng tất nhiên có lý lẽ riêng, không chỉ nêu lập luận suông để bảo vệ quan điểm cho phép thực hiện dự án mà còn trưng ra hàng loạt văn bản của cơ quan có thẩm quyền cao hơn nhằm bảo chứng cho sự đúng đắn của chính quyền địa phương.
Nhưng người dân thì không cần những hồ sơ, thủ tục đó. Họ chỉ cần giữ nguyên trạng Sơn Trà, không muốn ai đụng vào Sơn Trà của mình.
Sự xung đột về ý chí đó đặt các nhà chức trách trước bài toán trade-off (được và mất). Phát triển hay bảo tồn? Vì lợi ích của chủ đầu tư hay lợi ích của cả cộng đồng? Tất cả đều không dễ tìm lời giải nếu thiếu tầm nhìn và sự công tâm.
Không riêng trường hợp này, vài năm trước, dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A dự kiến xây dựng trong vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng bị phản đối gay gắt vì băm bổ vào “mẹ thiên nhiên”. Cuối cùng, dự án đã phải đóng hồ sơ vì áp lực dư luận và quyền lợi tập thể đã chiến thắng lợi ích cục bộ.
Trở lại chuyện của Đà Nẵng, theo quy hoạch, đến năm 2025, Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà sẽ đón 3,5 triệu lượt khách, đạt doanh thu 1.900 tỉ đồng và đến năm 2030 thu hút 4,6 triệu lượt khách, đạt doanh thu 4.300 tỉ đồng; tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động. Đây là những con số trong mơ; thực tế sẽ ra sao, chẳng ai biết trước được và chịu trách nhiệm về nó. Làm kinh tế không thể “đếm cua trong lỗ” bằng tham vọng thuần túy. Cái được chưa thấy, còn cái mất thì đã nhãn tiền. Cũng vì lẽ đó, hòa trong làn sóng dư luận chung, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã gửi văn bản cho Thủ tướng Chính phủ và các bộ - ngành đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thế phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà; đề nghị giữ nguyên hiện trạng ở bán đảo Sơn Trà và không xây thêm các cơ sở lưu trú. Đà Nẵng đang có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, đủ để phục vụ đến 15 triệu lượt khách mỗi năm; trong khi đó, tổng lượng khách đến vào năm ngoái chỉ hơn 1/3 con số trên. Vậy xây thêm 1.600 phòng ốc ở Sơn Trà cho ai ở !?
Lợi ích của cộng đồng là trên hết. Sự cầu thị, lắng nghe của chính quyền bao giờ cũng có lợi cho công tác quản lý, điều hành địa phương. Nói rõ hơn, được lòng dân thì sẽ được tất cả.
Bình luận (0)