Đó là những kiến nghị tâm huyết của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, khai mạc ngày 21-10.
Trong 10 “đại án” tham nhũng, VKSND Tối cao xếp vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đứng “đầu bảng”. Quả thật, dù số tiền thiệt hại có thể không phải là lớn nhất song vụ án tại Vinalines cho thấy đầy đủ tính chất nghiêm trọng, mức độ trắng trợn và sự tham lam vô độ của những kẻ tham nhũng; thấy tiền của nhà nước, cũng là đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân, bị những kẻ sâu mọt phung phí thế nào. Dương Chí Dũng và những kẻ tham nhũng táng tận lương tâm không những biết chiếc ụ nổi mua về chẳng làm được gì mà còn cố tình nâng giá lên gần gấp đôi để chia chác, lấy tiền bao “bồ nhí”, mặc cho nhà nước và nhân dân thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Vụ tham nhũng tại Vinalines khi được phơi bày càng cho thấy rõ thêm vì sao mà nhân dân cả nước phẫn nộ, bức xúc đến vậy, cũng như vì sao tham nhũng lại được xem là một thứ quốc nạn, là “giặc nội xâm” nguy hiểm đối với đất nước.
Vụ tham nhũng tại Vinalines hay 9 “đại án” tham nhũng khác chỉ là một phần trong rất nhiều vụ tham nhũng đã và đang diễn ra nhức nhối. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, khi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội cũng phải nói: Đi từ nhà ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền là việc không trôi. Tham nhũng lớn có mà tham nhũng vặt cũng có..., như ngứa ghẻ, rất khó chịu. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng chung bức xúc: Người ta “ăn” của dân không từ thứ gì...
Tham nhũng nhức nhối và gây hiểm họa tới vậy sao vẫn chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi dù đã có đầy đủ cả về khuôn khổ luật pháp, quyết tâm chính trị và bộ máy thực thi? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận: Chống tham nhũng, cái thiếu là hành động.
Nói cách khác, muốn ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng - một hiểm họa lớn đối với đất nước - thì phải hành động. Hành động này thể hiện trước hết là với 10 “đại án” tham nhũng. Liệu Dương Chí Dũng và tòng phạm có phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật? Liệu có “đào tận gốc, trốc tận rễ” tất cả những kẻ nói “cảm ơn em” khi nhận tiền chia chác hay truy cứu tới nơi tới chốn trách nhiệm những người đứng đầu đơn vị để xảy ra những “đại án” tham nhũng...?
Đó vừa là đòi hỏi của người dân cả nước vừa là “phép thử” quyết tâm và hành động chống tham nhũng.
Bình luận (0)