Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 20 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: VGP
Phiên khai mạc Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 20 với chủ đề “Châu Á cất cánh - Thông điệp cho 20 năm tới” sáng 22-5, tại Tokyo, Nhật Bản, diễn ra trong bầu không khí cởi mở với các diễn giả chính là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đổi mới thể chế kinh tế là động lực phát triển
Đi ngược lại lịch sử phát triển hàng ngàn năm, đến bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên “sự thần kỳ Châu Á” từ cuối thế kỷ XX, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Kinh nghiệm cho thấy đổi mới thể chế kinh tế là một động lực phát triển của nhiều quốc gia và tương lai của Châu Á đòi hỏi phải đổi mới để phát triển”.
Dù vậy, bên cạnh những cơ hội, châu Á cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức và để tiếp tục những bước tiến “thần kỳ” thì các nước châu Á cần phải tăng cường hợp tác tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời tăng cường kết nối châu Á với thế giới. Phó Thủ tướng đã đề cập các yêu cầu gắn kết lớn giữa các nước châu Á về môi trường chính sách; hạ tầng giao thông; khoa học công nghệ; nguồn nhân lực; giải quyết vấn đề môi trường.
Về yếu tố gắn kết phát triển, tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ là nhân tố mang tính quyết định, Phó Thủ tướng đã dẫn câu chuyện Việt Nam đầy hình ảnh đó là nhân vật “Thần Đèn Hai Lũy”, một người nông dân đã mày mò để di dời một ngôi nhà mới xây dựng khỏi phải phá dỡ khi làm đường. “Nhờ quyết tâm và sáng tạo, việc di chuyển ít người trước đó đã thành công. Nhiều ngôi nhà, ngôi chùa thậm chí tòa nhà sau đó đã được di dời. Thần Đèn được coi như là ông tổ của nghề mới này” - ông Đam kể.
Hòa bình, ổn định đang bị đe dọa nghiêm trọng
Đặc biệt Phó Thủ tướng đề cao để phát triển bền vững, trên hết Châu Á cần một môi trường hoà bình và ổn định. Ông Đam nhấn mạnh Biển Đông có vị trí địa kinh tế chiến lược, nằm trên tuyến đường thương mại quan trọng hàng đầu của thế giới, với 25% tổng khối lượng hàng hoá, 1/3 lượng dầu thô và 1/2 khí hoá lỏng của thế giới đi qua khu vực này.
Tuy nhiên, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng, gây quan ngại sâu sắc trong khu vực và thế giới với việc từ đầu tháng 5, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan nước sâu được hộ tống bởi nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Phó Thủ tướng khẳng định đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam luôn rất coi trọng và làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. “Tuy nhiên, Việt Nam cực lực phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Chúng tôi kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế” - ông Đam quả quyết.
Cảm ơn các quốc gia, các tổ chức và cá nhân đã ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam, Phó Thủ tướng kêu gọi tiếp tục ủng hộ Việt Nam nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông.
Đề cao vai trò của đoàn kết, Phó Thủ tướng dẫn lại việc ASEAN, từng một thời bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh thì nay đã thành ngôi nhà chung cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á. “Chiến tranh luôn để lại những dấu ấn buồn đau trong quan hệ giữa các nước. Đến nay nhiều nước đã trở thành đối tác chiến lược và bạn tốt của nhau”- ông Đam chia sẻ.
Nêu ví dụ điển hình quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện đã lên tầm cao mới, Phó Thủ tướng kể câu chuyện tại một huyện miền núi ở Việt Nam, sau thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản, một người phụ nữ chân đất đã đi bộ hàng chục km để đóng góp một khoản tương đương hơn 2 đô la Mỹ để ủng hộ cho người dân Nhật Bản. Khi được hỏi tại sao lại làm việc này, người phụ nữ trả lời “Tôi không biết nước Nhật ở đâu, tôi chỉ biết Nhật Bản đã xây dựng ngôi trường cho con tôi học”.
Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài.
Bình luận (0)