Sáng 1-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Đại diện các bộ, ngành cùng 28 địa phương ven biển tham dự.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Theo Phó Thủ tướng, việc ban hành Nghị định 67 là chủ trương trúng và đúng tâm tư nguyện vọng của người dân. Sau 3 năm tổ chức thực hiện, 761 tàu đưa vào hoạt động, trong đó 301 tàu sắt, đào tạo thuyền viên được triển khai, tổ chức sản xuất trên các vùng biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện và quy định của Nghị định 67."Chính sách về đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cơ sở hạ tầng nghề cá vừa thấp vừa thiếu đồng bộ, đầu tư chưa tương xứng. Hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, ảnh hưởng tới kiểm sát và ảnh hưởng an toàn trong quá trình hoạt động trên biển khi gặp thiên tai, sự cố; Chính sách tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, giải ngân vốn vay có lúc còn chậm, thủ tục vay gây khó khăn cho ngư dân"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 là vấn đề cần nghiêm túc xem xét. Tàu cá có chất lượng hay không là do người đóng tàu, chứ không thể đứng ngoài giám sát hay giao cho ngư dân đứng vào giám sát.
"Tôi chỉ biết mua tàu theo tiêu chuẩn thế nào, mua về là sử dụng phải an toàn. Chúng ta mua ô tô, xe máy có đến tận nơi giám sát không? Tôi chỉ biết mua xe, nếu xe máy đó hỏng mà lỗi do người sản xuất thì người sản xuất phải đền bù"- Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Từ đó ông cho rằng: "Nếu vi phạm, sai phạm thì phải xử lý nghiêm. Cần nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, lương tâm của người đóng tàu".
Phó Thủ tướng cho rằng giám sát là cần thiết nhưng quyết định là nhà đóng tàu chuyên nghiệp và trách nhiệm, có thương hiệu để người dân yên tâm sử dụng. Nên hạn chế từ khâu tư vấn, thiết kế con tàu, đặc biệt là trong sản xuất lắp ráp con tàu. "Đây là hạn chế nhất mà vừa rồi chúng ta để hơn chục con tàu ở Bình Định và các địa phương khác mà chưa rà soát hết không đảm bảo chất lượng"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tất cả phải đồng bộ, con tàu nào đóng mới cũng phải đảm bảo chất lượng. Ngoài ra còn công tác đăng kiểm, giám sát... từ đó tránh thiệt hại cho người dân và gây bức xúc trong xã hội.
Một mặt phải tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị định 67, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan, các đơn vị, địa phương triển khai ngay việc khắc phục các tàu vỏ sắt bị hư hỏng để sớm đưa vào hoạt động, không thể để người dân bỏ tiền ra mà lấy sản phẩm không an toàn.
"Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đặc biệt là đóng mới tàu cá không đảm bảo chất lượng. Tổng hợp rà soát cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá, đưa vào các cơ sở đủ năng lực thực hiện. Đưa các nhà máy không đảm bảo, thiếu chuyên nghiệp ra khỏi danh sách đóng tàu cho ngư dân"- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tháo gỡ khó khăn trong vay vốn của ngư dân; chấn chỉnh công tác đăng kiểm tàu cá đảm bảo đúng quy định; các bộ ngành kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc đóng tàu mới.
Với các địa phương ven biển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm chính sách theo Nghị định 67, kịp thời tháo gõ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền.
"Địa phương nào còn để tàu hỏng thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và người dân. Rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc từ sự cố tàu thép đóng mới hư hỏng. Thực hiện khắc phục theo văn bản của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Nếu sau này thực hiện không được, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)