Thông tin trên được ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 4-7. Theo ông Tịnh, việc công nhận này sau khi được sự nhất trí của các thành viên tham gia kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản thế giới (WHC) diễn ra tại Born - Đức ngày 3-7.
"Trước đây, Phong Nha – Kẻ Bàng được biết đến là khu vực có kiến tạo karst cổ nhất và lớn nhất Châu Á, mang trong mình nhiều bằng chứng các giai đoạn lịch sử hình thành về địa chất của vỏ Trái đất cùng hệ thống hang động, sông ngầm phong phú, đa dạng. Trong đó, Sơn Đoòng là hang động có cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ và lớn nhất thế giới thì giờ đây, Phong Nha – Kẻ Bàng lại được biết đến là khu vực chứa đựng những giá trị nổi bật về hệ sinh thái và đa dạng sinh học” - các nhà khoa học có mặt tại kỳ họp trên nhận định.
Phong Nha – Kẻ Bàng có tổng diện tích 85, 754 ha, nay được UNESCO chấp thuận mở rộng lên tới 123,326 ha và được đánh giá là một trong những khu rừng nguyên sinh sở hữu các loài thực vật, động vật phong phú bậc nhất Đông Nam Á.
Hiện tại đây có trên 2,934 loài thực vật bậc cao có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống. Trong đó, nhiều loài nằm trong sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN và chỉ tồn tại một số nơi ở trên thế giới. Đặc biệt có các phân loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm đang bị đe doạ như: Voọc Hà Tĩnh, Chà vá Chân nâu, Vượn đen má trắng…
Được biết, với những giá trị ngoại hạng trên, Phong Nha – Kẻ Bàng là Vườn quốc gia thứ 3 ở Châu Á và đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đạt ¾ tiêu chí dành cho một Di sản thiên nhiên.
Tháng 7-2003, tại kỳ họp lần thứ 27 của Ủy ban Di sản thế giới, Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới ở tiêu chí địa chât, địa mạo với hệ thống hang động quyến rũ nằm len lỏi giữa khu rừng nguyên sinh với những ở dãy núi đá vôi kỳ vỹ.
Bình luận (0)