Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam công bố con số giật mình: 10% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng bị bạo lực tình dục trong đời.
Ác mộng kéo dài
Thành đạt, giỏi giang, có người chồng lịch thiệp công tác ở cơ quan cấp bộ và 2 cậu con trai ngoan ngoãn nhưng mới đây, chị T.P.A (ngụ Hà Nội) đã phải trốn chạy khỏi nhà, đi lánh nạn. Quyết định của chị gây bất ngờ vì người ngoài nhìn vào ai cũng khen chị tốt số, vợ chồng đẹp đôi.
Thế nhưng, phải ở trong chăn mới biết chăn có rận. Nhiều năm nay, mỗi ngày đi làm về, chị đều nghe những câu đến thuộc lòng: “Hôm nay, cô đi đâu, làm những gì?", "Sao giờ này chưa về?”, "Ngày hôm nay có vẻ hớn hở, soi gương rồi cười, chắc lại đi ngủ với thằng nào?”… Có lần, người chồng còn xếp một loạt quần lót của vợ lên giường rồi phân tích màu sắc, kiểu dáng và kết luận: “Quần sexy thế này thì chỉ để cho giai ngắm”. Những nội dung “bệnh hoạn” này còn được anh ta ghi chép tỉ mỉ trong một cuốn sổ treo công khai trong nhà.
Hơn 10 năm qua, mỗi đêm, anh ta hành hạ vợ cả về thể xác và tinh thần, mặc vợ khóc lóc, van xin. Nghe tiếng khóc của mẹ vọng ra từ phòng ngủ, hai cậu con trai mới lớn cũng dần hiểu ra mọi chuyện. Đến một ngày, không thể chịu nổi, cậu con trai lớn xông vào phòng ngủ, giằng mẹ ra khỏi sự tra tấn của cha.
Đến khi chị A. bỏ nhà ra đi, người chồng liên tục nhắn tin chửi bới, xúc phạm, đe dọa. Để thoát khỏi người chồng bệnh hoạn, chị A. ly hôn; chấp nhận phần thiệt thòi, không chia tài sản, không chia con cái.
Còn chị N.B.T lúc nào cũng thấy khiếp sợ và nhục nhã vì mình như một công cụ tình dục của chính người chồng. Khi mở dịch vụ tẩm quất tại nhà, nhiều lần người chồng chửi rủa, xé quần áo chị trước mặt khách hàng. Những ngày trời rét, anh ta lột hết quần áo vợ, không cho đắp chăn; mùa hè không cho bật quạt mà bắt quấn chăn kín mít. Ngay cả khi chị T. đang mang thai, anh ta cũng đánh tới tấp ngoài đường, chỗ đông người. Nhiều lần anh ta còn dọa sẽ tưới xăng đốt nhà, giết chết 3 mẹ con để trừng phạt việc từ chối quan hệ thể xác.
Bị ám ảnh bởi những lần tra tấn tình dục nên ngay cả khi trốn đến một nơi an toàn lánh nạn, chị T. lúc nào cũng trong tâm thế căng thẳng cao độ. Ban ngày, chị luôn cảm giác chồng mình hiện diện ở đâu đó trong góc nhà, cầu thang, ngoài đường… Còn ban đêm, những cơn ác mộng kéo đến khiến chị T. không dám ngủ.
Nhịn nhục vì sợ bị chê cười
Nhiều phụ nữ đau đớn và sợ hãi vì bị chồng dùng các dụng cụ kích dục cùng những hành động kỳ quái. Tuy nhiên, 83% số phụ nữ được hỏi tỏ ra cam chịu và chấp nhận chồng hành hạ mà không dám phản đối hoặc phản đối yếu ớt rồi lại chấp nhận. Theo một chuyên gia xã hội học, bạo lực thể xác là những vết thương nhìn thấy, dễ nhận được sự cảm thông của người khác. Còn bạo lực tình dục lại được che đậy bởi những mỹ từ như “yêu vợ”, “chiều chồng” nên khiến chị em xấu hổ, giấu giếm.
Gần 50% số phụ nữ bị bạo lực tình dục trong nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới từng nghĩ đến hành vi tự tử; 40% từng đối mặt với tử thần, như: uống thuốc sâu, thuốc ngủ, nhảy cầu, treo cổ…; 85% sợ hãi khi quan hệ tình dục; 78% căng thẳng, lo âu; 27% bị tổn thương vùng kín… Đáng nói, chỉ 10% trong số họ dám đến các cơ sở y tế để điều trị vì… xấu hổ.
Theo công bố của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới đây, hiện có 10% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực tình dục. Tại hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội được tổ chức mới đây ở Hà Nội, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, Sức khỏe và Dân số (CCIHP), cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Chúng ta chỉ thường nghĩ đến bạo lực như là những hành vi sử dụng sức mạnh, gây ra các tổn thất về thể chất, kinh tế và tinh thần có thể nhìn thấy và đo lường. Trong khi thực tế, phần lớn các hành vi bạo lực tình dục hậu quả rất khó nhìn thấy, khó đo lường, thậm chí vô hình và vì thế không được thừa nhận.
“Một phụ nữ từng chia sẻ với tôi rằng chị là nguồn thu nhập chính trong gia đình song lại thường xuyên bị người chồng nghiện rượu đánh đập, rồi ép quan hệ tình dục. Mỗi lần như thế, dù không muốn và đau đớn, thậm chí cảm thấy nhục nhã nhưng chị vẫn “chiều chồng” vì nghĩ đã là vợ thì phải chấp nhận. Không biết bao nhiêu lần tôi bị ám ảnh mất ăn, mất ngủ bởi những câu chuyện của nạn nhân; day dứt với câu hỏi tại sao có những phụ nữ có thể chấp nhận, chịu đựng và sống sót trong thời gian đằng đẵng hàng chục năm bị chồng hành hạ” - bà Tú Anh chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới (CSAGA), khẳng định trong xã hội hiện nay, vẫn còn tâm lý kỳ thị nạn nhân bị bạo lực tình dục: “Chắc là cô lẳng lơ thế nào đó mới bị như thế”, “Chắc là cô ăn mặc khiêu gợi”, “Chắc là cô cũng đồng ý”…
Những người đàn ông, thậm chí là trí thức, cho rằng họ có quyền đòi hỏi tình dục với vợ. Vì thế, có những ông chồng có vị trí trong xã hội không nghĩ được rằng mình phải thương lượng với vợ về chuyện này. Do xấu hổ, sợ bị đánh giá, nhiều phụ nữ không dám bộc bạch nỗi đau của mình cho đến khi bị phát hiện.
“Có những lần chồng đòi hỏi, tôi không “đáp ứng” và liền bị đánh và nhổ nước bọt vào mặt. Thế nhưng, khi tôi báo công an phường và vợ chồng được mời cùng làm việc thì công an phường còn trách móc tôi tại sao mới kết hôn mà đã không cho chồng quan hệ?. Cứ thế, tôi chấp nhận cuộc sống bị bạo hành về tình dục kéo dài nhiều năm” - chị N. kể.
Kỳ tới: Lánh nạn ở ngôi nhà bình yên
Bình luận (0)