- Phóng viên: Vậy như ông nói có có trách nhiệm của Bộ Công Thương?
+ Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Có, vì đây là quy hoạch của ngành điện. Về phía Bộ TN-MT chịu trách nhiệm thẩm định ĐTM. Bộ cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định và hiện đã xem xét báo cáo của chủ đầu tư.
Còn một số vấn đề, Bộ yêu cầu phải bổ sung, cho đến nay chủ đầu tư chưa bổ sung những nội dung mà Bộ TN-MT và Hội đồng thẩm định yêu cầu. Bao giờ chủ đầu tư gửi đầy đủ phần bổ sung đó sang thì Bộ sẽ tiến hành thẩm định.
- Vậy cụ thể Bộ yêu cầu bổ sung những gì, thưa ông?
+ Những điều cần bổ sung đa số liên quan đến đánh giá tác động môi trường và liên quan đến Luật Đa dạng sinh học.
- Vừa rồi UNESCO chưa đồng ý hồ sơ xin công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có tác động nhất định đến việc trên?
+ Chuyện này về sau chúng ta sẽ nói, Hội đồng thẩm định sẽ nói chuyện ấy chứ bây giờ tôi không thể nói gì. Hội đồng thẩm định sẽ phát biểu chính thức và sau đó chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ và Chính phủ sẽ báo cáo lại QH vì dự án này chịu phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 49 của QH khi sử dụng từ 50 ha rừng trở lên. Cái này là rất khó khăn vì phải thông qua QH cho phép về mặt chủ trương mới có thể tiến hành được.
- Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi mà bộ đang sự thảo có quy định vấn đề sử dụng nước đầu nguồn phải xin phép các tỉnh ở hạ lưu. Việc này có được sử dụng trong trường hợp này không, thưa ông?
+ Riêng nội dung này chúng ta phải xem lại quy định như thế nào có xin phép các tỉnh hạ lưu không. Các tỉnh hạ lưu hoàn toàn có quyền lên tiếng vì những tác động này. Ví dụ như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tác động xuống hạ lưu về mặt môi trường chủ yếu là các tỉnh phía dưới nên Đồng Nai và các tỉnh khác họ có ý kiến là vì lý do thế.
Các tỉnh đặt các công trình thủy điện có nguồn thu ngân sách nên họ ủng hộ còn những tỉnh ở dưới chịu tác động thì họ không ủng hộ. Đấy là những vấn đề phải được xem xét cho thật thấu đáo.
- Hệ thống sông Đồng Nai có quá nhiều công trình thủy điện và có thật cần thiết phải xây thêm Đồng Nai 6 và 6A hay không? Phát biểu trên nghị trường, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng rất lãng phí, vô vọng, chờ đợi đối với công trình này, quan điểm của Bộ TN-MT về vấn đề này như thế nào?
+ Cái này liên quan đến rất nhiều vấn đề, bây giờ chủ đầu tư họ đang phải hoàn thiện những vấn đề liên quan đến ĐTM thì mới có thể làm được. Còn Bộ có quan điểm cứ căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành nếu nó ảnh hưởng đến môi trường và các vấn đề xã hội khác thì chúng tôi cũng làm theo pháp luật.
Nhưng chúng ta cũng phải thấy chúng ta đang kêu gọi đầu tư, nhà đầu tư vào rồi mình cũng phải trân trọng cái đấy làm sao xử lý hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và chủ đầu tư và những vấn đề môi trường đặt ra khi xây dựng .
+ Nếu anh không đảm bảo những yêu cầu về mặt môi trường thì phải loại bỏ. QH cũng phải xem xét dự án này vì nó liên quan đến lấy diện tích đất rừng đặc dụng trên 50 ha.
+ Đúng là thời gian qua chúng ta có mở ra nhiều thủy điện. Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu rà soát loại bỏ là vì vậy.
Trả lời chất vấn bằng văn bản của Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Nai Trương Văn Vở và ĐBQH Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ TN-MT có trách nhiệm thẩm định ĐTM của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, làm căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đầu tư triển khai dự án.
Sau khi nhận được ĐTM các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (ngày 27-6-2012) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, thẩm định Báo cáo. Thông qua kết quả làm việc của Hội đồng thẩm định và khảo sát thực tế tại hiện trường, Bộ TN-MT nhận thấy, một số vấn đề môi trường có liên quan của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, thỏa đáng trong ĐTM. Cụ thể: Thứ nhất, hai dự án sẽ làm mất vĩnh viễn 372,23 ha đất rừng, trong đó có 128,37 ha đất ở khu Cát Lộc thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Mặc dù trong ĐTM đã cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất song lại chưa nêu được vị trí cụ thể và trồng loại cây gì. Thứ hai, trên đoạn sông dự kiến xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có cá chình hoa là loài quý hiếm có nguy cơ bị hủy diệt nhưng trong ĐTM chưa đề ra được biện pháp bảo vệ, bảo tồn. Thứ ba, hệ sinh thái thủy sinh dọc đoạn sông Đồng Nai từ đập đến hồ Trị An sẽ bị tác động mạnh bởi việc xây dựng các công trình Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, tuy nhiên nếu không thực hiện các dự án này thì cũng cũng sẽ chịu tác động bởi công trình thủy điện Đồng Nai 5. Thứ tư, các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên nên sẽ có những tác động bất lợi đến khu vực này, mức độ tác động sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp quản lý thi công xây dựng của các dự án. Thứ năm, việc thực hiện các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu-ro, Mạ, Xtiêng, Mnông… Với những tác động được đánh giá nêu trên, Bộ TN-MT đã có văn bản trả lại hồ sơ để Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai chỉnh sửa, bổ sung; cho đến nay chưa nhận lại được bản Báo cáo đã được chỉnh sửa, bổ sung của công ty. Liên quan đến vấn đề này, Bộ TN-MT cũng đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về công tác thẩm định ĐTM của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A; văn bản gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH có ý kiến đối với các kiến nghị của HĐND tỉnh Đồng Nai; trong đó đã nêu rõ cơ sở pháp lý, các vấn đề môi trường đặt ra cũng như những tồn tại trong ĐTM của hai dự án thủy điện nêu trên.
|
Bình luận (0)