Dù chỉ là những nghi án nhưng người Việt có lòng tự trọng đều cảm thấy rất xấu hổ. Cả thế giới nhìn về Việt Nam với con mắt thiếu thiện cảm vì những thông tin này.
Cộng đồng mạng từng xôn xao về chuyện tại TP Saitama - Nhật Bản có treo một tấm biển cảnh báo ghi bằng tiếng Việt: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt, chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường điều tra”. Tấm biển này được ghi bằng tiếng Việt cốt là để dành cho người Việt.
Không thể trách người Nhật mà chỉ trách chính chúng ta. Người Việt Nam đi ra nước ngoài bị kỳ thị không phải vì chúng ta da vàng mũi tẹt mà vì không ít người đã gây ra những việc xấu xa mà trộm cắp chỉ là một ví dụ. Người Nhật buộc lòng phải treo tấm biển cảnh báo đó giữa cộng đồng có lẽ vì họ đã không thể chịu đựng được tệ nạn trộm cắp của một số người Việt.
Trở lại vụ nữ tiếp viên của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam bị tình nghi vận chuyển hàng trộm cắp, có thể thấy rằng câu chuyện không đơn giản là sự tình cờ. Cảnh sát Nhật đã theo dõi và nắm rõ các hoạt động của nhân viên phi hành đoàn và đã có được chứng cứ trước khi tiến hành tạm giữ nghi can. Năm 2008, phi công Đặng Xuân Hợp cũng của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã bị hải quan Nhật tạm giữ điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp. Chuyện xấu đó thật khó phai. Nay lại thêm một trường hợp. Nếu kết quả điều tra từ phía Nhật là đúng thì thật ê chề. Cá nhân sai phạm không chỉ chịu sự chế tài của nước bạn mà còn đắc tội với nước ta vì đã làm mất thể diện quốc gia.
Hình ảnh của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam bị hoen ố. Và tất nhiên, đất nước ta cũng ít nhiều bị vấy bẩn. Để xóa đi vết nhục đó, chỉ còn cách duy nhất là tuyên bố cho cả thiên hạ biết sẽ xử lý cá nhân sai phạm thật nghiêm minh theo pháp luật. Tất nhiên, vụ này dù có muốn giấu giếm hay né tránh cũng không được.
Cha ông ta nói “tốt khoe, xấu che” nhưng có lẽ đối với những thói xấu đó của người Việt, cũng cần nêu ra để mọi công dân đều biết và tự thấy xấu hổ mà sửa sai. Tác giả Bá Dương của Trung Quốc viết cuốn sách Người Trung Hoa xấu xí để cảnh báo cho dân nước họ biết những thói xấu để sửa đổi. Việt Nam đã có nhiều sách ca ngợi người dân mình nhưng lại chưa có nhiều sách vở mạnh dạn phê phán những thói hư tật xấu của người Việt Nam để mỗi người tự răn mình.
Bình luận (0)