Công an TP Cần Thơ vừa có kết luận ban đầu việc anh P.D.K - kỹ thuật viên đông y của Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, TP Cần Thơ - tự cắt lìa chân. Theo đó, anh K. bị mắc bệnh BIID (Body Integtity Identity Disorder; tạm dịch: rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể).
Còn nhiều nghi vấn
Sự việc xảy ra vào chiều 10-11, khi các đồng nghiệp trong khoa đi làm về hết, anh K. vào nhà vệ sinh, ngồi trên bồn cầu, dùng dụng cụ để cắt khớp chân trái (từ đầu gối trở xuống) và tự cấp cứu cho mình. Sau đó, anh K. buộc phần khớp đã cắt vào chân trái, định đi ra ngoài tạo hiện trường giả bị tai nạn giao thông. Nhưng khi đứng lên, phần khớp văng ra ngoài nên anh K. đem cất vào tủ trên đầu giường. Sau đó, người này gọi điện cho một hộ lý nói mình đang ngủ thì có ai vào cắt lìa chân. Hoảng hồn, mọi người trong bệnh viện đi tìm thì phát hiện phần chân cắt lìa nằm trong tủ và đưa anh K. đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân từ chối nối lại khớp.
Trong quá trình điều tra, anh K. thừa nhận đã phát hiện mình bị mắc chứng BIID từ nhỏ nhưng không nói cho ai biết. Đến khi vào học tại một trường cao đẳng y tế thì anh K. tự tìm hiểu về căn bệnh của mình thông qua mạng để chữa trị nhưng bất thành. Quá trình làm việc tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, anh K. tự tìm hiểu về cách tháo khớp gối mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.
Dù vậy, sau khi cơ quan công an công bố thông tin trên, nhiều chuyên gia y tế đặt ra những nghi vấn. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động sáng 14-11, một bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình đang công tác tại
TP HCM cho rằng phẫu thuật đoạn chi không hề đơn giản, phải có đội ngũ gây mê hồi sức, có BS chuyên khoa thực hiện từ khâu tháo khớp cho đến cầm máu, xử lý mỏm cụt...
Còn theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực
TP HCM, để xác định được một bệnh nhân tự hủy hoại cơ thể có phải do bệnh tâm thần hay không và bệnh tâm thần đó là gì thì cần có kết luận cụ thể từ đơn vị giám định tâm thần. Bác sĩ Quang cho biết ông từng gặp khá nhiều bệnh nhân tự hủy hoại, tự tử vì bệnh tâm thần, thường gặp nhất là trong tâm thần phân liệt. Các hành động họ làm khá đa dạng: đập đầu vào tường, rạch da tay/chân, uống axít, đóng đinh vào cơ thể... Thậm chí, ông từng điều trị cho một nữ bệnh nhân đã 8 lần tự tử bằng cách tự gây ra tai nạn, đóng đinh vào rốn, uống thuốc độc... Tuy nhiên, tự cắt lìa một phần cơ thể như trường hợp anh K. thì ông chưa gặp.
Quá đáng sợ!
Trên thế giới cũng đã ghi nhận có những trường hợp tương tự. Theo trang BIID.org, website do nhiều chuyên gia y tế và người mắc căn bệnh này lập ra, BIID thường được biểu hiện bởi tình trạng người bệnh muốn loại bỏ một phần cơ thể, ví dụ như cắt cụt chi, cho dù phần cơ thể đó hoàn toàn khỏe mạnh.
Vào năm 2015, một phụ nữ ở Bắc Carolina- Mỹ, tên Jewel Shuping (30 tuổi), đã làm mù mắt mình bằng dung dịch tẩy rửa cống với sự trợ giúp của một nhà tâm lý học giấu tên. Chia sẻ trên tờ Daily Mail, người phụ nữ này cho biết cô đã muốn được mù từ khi còn nhỏ và hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của một phụ nữ mù sau khi hủy hoại đôi mắt của mình. Trường hợp tương tự là bà Chloe Jennings-White, một nhà nghiên cứu giáo dục tại ĐH Cambridge (Anh). Từ năm 9 tuổi, bà đã nhiều lần cố ý gây ra tai nạn, tham gia các môn thể thao mạo hiểm... chỉ để được liệt hai chân. Vào năm 2013, bà Chloe may mắn được TS-BS Mark Malan, một chuyên gia về tâm thần học can thiệp, điều trị bằng cách nẹp chân, cho ngồi xe lăn. Hiện bà Chloe hài lòng với tình trạng liệt “giả vờ” của mình.
Nhiều nhà tâm lý học và tâm thần học đã đưa ra hàng loạt giả thuyết về cơ chế gây chứng bệnh lạ này. Giả thuyết phổ biến nhất là BIID xảy ra khi não bộ không có khả năng cung cấp một sự nhìn nhận chính xác về nhân dạng. Do đó, não bộ cho rằng phần cơ thể, tay chân đó là “vi phạm tiêu chuẩn”, từ đó nảy sinh ý tưởng loại bỏ nó. Một giả thuyết khác thì cho rằng người mắc BIID có thể đã thấy một người khuyết tật khi còn nhỏ và sớm đưa hình ảnh này thành một hình mẫu lý tưởng trong tâm thức. Vì vậy, họ mong muốn loại bỏ phần cho là thừa để trở thành người tốt hơn. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân sẽ sống trong gánh nặng tâm lý lâu dài bởi hầu như không có bác sĩ nào chịu làm phẫu thuật loại bỏ một phần cơ thể đang lành lặn. Trầm trọng hơn, người bệnh có thể cố ý gây ra tai nạn để được tàn phế hoặc nghĩ đến cái chết do không thể thỏa mãn mong muốn.
Một số quan điểm cho rằng việc tìm cách thỏa mãn phần nào “ước mơ” của người bệnh có thể là cách duy nhất để họ có một cuộc sống tốt hơn và ngưng bị ám ảnh bởi căn bệnh.
Biểu hiện giống ngáo đá
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang cho biết một bệnh nhân “ngáo đá” cũng có thể dẫn đến các hành động gây nguy hiểm cho người xung quanh, kế đến là tự hủy hoại bản thân khi rơi vào cơn loạn thần cấp, giống như người mắc bệnh tâm thần, BIID. Họ như người bị thôi miên, một số người sử dụng “đá” (methamphetamin) thậm chí đã gây trọng án (giết người, hiếp dâm…) khi vào “cơn”.
Bình luận (0)