Mục tiêu ấy được “nhấn nút” từ đầu năm ngoái khi Chính phủ chọn 2016 là “Năm Quốc gia khởi nghiệp”. Và trong năm bản lề 2016, Chính phủ cũng như nhiều địa phương đã nỗ lực hết sức để tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up ecosystem) cho mọi thành phần kinh tế và tầng lớp nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn; tạo động lực khởi sự kinh doanh, khuyến khích sáng tạo…
Chính phủ đã đi tiên phong bằng cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo, hành động và phục vụ. Những cam kết đó dù thực sự không mới và dường như đấy đều là nhiệm vụ bắt buộc của mọi cơ quan hành chính trung ương ở mọi giai đoạn lịch sử nhưng rất phù hợp và cần thiết đối với hoàn cảnh của đất nước trong những tháng năm này cũng như sắp tới đây.
Tinh thần ấy đã lan tỏa mạnh mẽ. TP HCM - địa phương đầu tàu của cả nước - quyết định bố trí 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, kinh phí hỗ trợ tối đa cho 1 dự án là 2 tỉ đồng. Song song đó, tiến tới hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để kết nối các dự án với các quỹ đầu tư, đồng thời tham mưu cho chính quyền về những chính sách liên quan. Tính đến cuối năm 2016, đã có khoảng 200 dự án đăng ký được hỗ trợ. TP đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ cho 2.000 dự án khởi nghiệp. Nhìn chung, phong trào khởi nghiệp ở TP HCM đang rất sôi động.
Trong một diễn biến có liên quan khác, những ngày vừa qua, có 2 công bố quốc tế đáng quan tâm. Công bố thứ nhất của hãng thông tấn Bloomberg là Bảng xếp hạng 50 nền kinh tế sáng tạo nhất, được lựa chọn từ khảo sát 200 nền kinh tế. Theo đó, Hàn Quốc đứng đầu, Việt Nam không được lọt vào 50 nền kinh tế nói trên.
Công bố thứ hai là của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016. Việt Nam có tiến bộ, lần đầu tiên đạt điểm 33/100, xếp thứ 113/176 nền kinh tế. Tuy nhiên, suốt 4 năm trước đó, chúng ta nằm mãi ở điểm số 31/100, tức là trong cả 5 năm, tình hình chống tham nhũng không được cải thiện mấy cho dù có trong tay rất nhiều đạo luật và việc phòng chống tham nhũng liên tục được phát động.
Hai công bố nói trên liên quan với nhau mật thiết và chính là thông điệp rõ ràng đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải cách thể chế. Phải mạnh mẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào tài nguyên và lao động gia công sang sáng tạo, khoa học - công nghệ. Để hiện thực hóa điều đó, cần có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, mạnh dạn đầu tư vào khoa học - công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị cao thay vì làm ăn dựa vào thân hữu, đút lót, làm giàu nhờ “đánh quả”. Cùng với đó, bộ máy hành chính công phải thật sự liêm chính. Một khi cộng đồng doanh nghiệp hứng khởi đầu tư - kinh doanh và được phục vụ bởi một bộ máy nhà nước tận tụy thì mục tiêu quốc gia khởi nghiệp sẽ sớm thành hiện thực.
Bình luận (0)