Dư luận bức xúc về cách cư xử trịch thượng của hai nhân vật nói trên. Nhiều người cho rằng văn hóa ứng xử của các quan chức kể cả đương nhiệm lẫn về hưu là rất có vấn đề.
Quả thực, văn hóa ứng xử của các quan chức không phải không có vấn đề. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của hai hiện tượng nói trên có lẽ lại là sự tha hóa của quyền lực. "Quyền lực làm tha hóa. Quyền lực tuyệt đối làm tha hóa tuyệt đối" là nhận xét nổi tiếng của ngài Lord Acton. Nhận xét này giải thích rất nhiều cho chúng ta về hai sự kiện nói trên.
Thực ra, trung tướng về hưu là người không còn quyền lực nữa song tác động tha hóa của quyền lực thì vẫn còn. Khi một thời gian dài quyền lực đã biến ai đó trở thành bất khả xâm phạm thì người này trở về với vị thế của một công dân bình thường là rất khó khăn. Đối với rất nhiều quan chức, quá trình chuyển từ "quan nhất thời" về với "dân vạn đại" diễn ra đầy trăn trở và đau đớn. Bị áp đặt phải tuân thủ pháp luật như một công dân bình thường vì vậy có thể gây sốc. Và việc chửi bới CSGT chỉ là một trong những hiệu ứng còn sót lại của chức quyền. Công bằng mà nói, không còn quyền lực thì di sản của quyền lực có thể gây bức xúc nhưng khó lòng gây ra nhiều tác hại cho xã hội. Nếu vị trung tướng nói trên bị phạt vì vi phạm tốc độ lái xe và cả vì chống người thì hành công vụ như mọi công dân khác thì hiệu ứng chức quyền sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu; vị thế của một công dân bình thường như bao công dân khác sẽ nhanh chóng được xác lập.
Trường hợp bà Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, quyền lực làm tha hóa là quá rõ. Mặc dù phó chủ tịch quận không phải là một chức quan quá to trong hệ thống của chúng ta nhưng quan quận thì to hơn quan phường. Vì thấy mình to hơn nên bà phó chủ tịch quận mới gọi điện cho chủ tịch phường và công an phường ra trông xe cho mình ăn bún. Làm như thế vừa giải quyết được khâu oai vừa để cho mọi người thấy được mình quan trọng như thế nào.
Một quan chức có văn hóa sẽ không bao giờ làm như vậy bởi công và tư không thể lẫn lộn. Có làm đến chức quan gì chăng nữa thì đi ăn bún chỉ là việc tư của cá nhân. Không thể nào ra lệnh cho các cơ quan công quyền phục vụ việc tư của mình được. Tuy nhiên, văn hóa chỉ là một thiết chế để giám sát quyền lực. Quyền lực phải được giám sát bằng rất nhiều công cụ khác. Trước hết, đó là việc hạn chế quyền lực bằng sự ủy quyền của nhân dân theo nhiệm kỳ; sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước; vai trò giám sát của báo chí và truyền thông xã hội… Trong hai trường hợp cụ thể nói trên, thì sự giám sát của báo chí và truyền thông xã hội quả thực là rất có hiệu quả.
Cuối cùng, để giảm bớt sự tha hóa của quyền lực, đặc quyền, đặc lợi gắn với quyền lực cũng cần bị cắt giảm. Tạo điều kiện để làm việc tốt không có nghĩa là tạo đặc quyền, đặc lợi.
Bình luận (0)