Ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe tư nhân gắn biển số xanh
Ngày 8-9, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (số 33-BC/UBKTTW, ngày 7-9-2016), Ban Bí thư đã kết luận 3 nội dung.
Thứ nhất, trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Những vi phạm, thua lỗ trên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Mặc dù vậy, trong kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm vi phạm của mình.
Thứ hai, khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng ông dùng biển số xe công gắn vào xe ô tô tư nhân để sử dụng là trái quy định của pháp luật, đã gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm đó của ông là thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp".
Thứ ba, ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty; ông không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Thông báo kết luận số 146-TB/TW, ngày 04-10-2013 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng ông vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông. Trong quá trình kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận các vi phạm, khuyết điểm.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng ngày 9-6 có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc yêu cầu nhanh chóng kiểm tra, kết luận vụ “xe tư nhân gắn biển số xanh” liên quan đến Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo, các cơ quan trung ương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Điều khiến dư luận quan tâm trong vụ việc trên là việc ông Thanh sau khi lãnh đạo Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ khoảng 3 ngàn tỉ đồng, đã liên tiếp được luân chuyển, giữ nhiều chức vụ quan trọng của Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang: năm 2013, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương; rồi Vụ trưởng - Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ. Đến tháng 5-2015, ông Thanh luân chuyển và được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ngày 11-7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp thứ 4 và thứ 5 nêu rõ: Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định và yêu cầu tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Từ ngày 6-9 đến 8-9, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ VI. Tại kỳ họp này, sau khi xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông Thanh. Trong quá trình kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Bình luận (0)