UBND TP HCM vừa báo cáo Thường trực HĐND TP về kế hoạch cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn theo Nghị quyết 28 ngày 12-12-2014 của HĐND TP khóa VIII.
Hơn 19% hộ dân chưa có nước sạch
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, để bảo đảm 100% các hộ dân TP được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh theo Nghị quyết 28 của HĐND, trong năm 2015, TP đã hoàn thành Nhà máy Thủ Đức 3, cấp thêm 300.000 m3/ngày; xây mới 12 công trình và nâng cấp, mở rộng 16 công trình trạm cấp nước, nâng tổng công suất cấp nước của TP là 2.120.000 m3/ngày. Với công suất này, có thể cấp 167 lít nước/người/ngày (đã tính tỉ lệ thất thoát nước sạch năm 2015 là 32%).
Về phương án cấp nước, TP đã phát triển 1.228 km mạng lưới; xây dựng, nâng cấp 28 trạm cấp nước tập trung; lắp 141 đồng hồ tổng; lắp đặt 1.513 bồn chứa nước, 137.251 bộ thiết bị để xử lý nước cho hộ gia đình trong năm 2015. Mặc dù đã có nhiều phương pháp để cấp nước sạch cho người dân nhưng đến nay, trên địa bàn TP vẫn còn có 358.351/1.874.114 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch hoặc nước ngầm đã qua xử lý. Hiện có 1.453.645 hộ dân được sử dụng nước sạch và 62.118 hộ sử dụng nước ngầm đã qua xử lý.
Chất lượng nước chưa đạt
UBND TP cho biết đối với những hộ dân chưa được sử dụng nước sạch, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm soát chất lượng nước. Sau khi Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP tổ chức kiểm tra chất lượng nước tại 1.400 vị trí đại diện, tập trung vào 7 quận - huyện là Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức và quận 12 thì chỉ có 58 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý (đạt 4,14%). Hầu hết các mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý là do độ pH thấp và hàm lượng sắt cao. Như vậy, chất lượng nước tại các vị trí kiểm tra hầu hết không đạt Quy chuẩn Việt Nam 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND TP đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP và chủ tịch UBND các quận - huyện thí điểm nhiều loại thiết bị lọc nước hộ gia đình có công nghệ khác nhau (kể cả các loại thiết bị do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV - SAWACO - thiết kế) để xử lý nước ngầm, sông, ao, hồ, kênh, rạch, mưa… Dự kiến, đến ngày 30-7 (thời điểm HĐND TP lần thứ 18 diễn ra) mới có báo cáo đánh giá kết quả thí điểm. Riêng tại huyện Củ Chi đã hoàn tất lắp đặt 100 thiết bị xử lý nước cho 100 hộ dân ở đây. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế đang tổ chức đánh giá thiết bị và kiểm tra chất lượng nước sau khi xử lý. Qua kiểm tra, UBND TP nhìn nhận tình hình thông tin chất lượng nước và hướng dẫn cách xử lý nước, sử dụng nước an toàn đến từng hộ dân trên địa bàn vẫn chưa được khắc phục.
Ngoài xử lý nước chưa hợp vệ sinh, UBND TP cũng giao SAWACO chịu trách nhiệm phát triển 578 km mạng lưới đường ống cấp nước và 61 đồng hồ; xây dựng, nâng cấp 13 trạm cấp nước. Hiện SAWACO đã triển khai thủ tục đầu tư 7 trạm, sẽ khởi công vào tháng 8 và hoàn thành trước ngày 10-11; còn 6 trạm UBND huyện Bình Chánh chưa bàn giao mặt bằng để triển khai. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, điều này đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch cấp nước của TP. Trong thời gian chờ UBND huyện Bình Chánh bàn giao mặt bằng, SAWACO xây dựng các phương án cấp nước khác thay thế, như phát triển mạng lưới cấp nước cho vùng cấp nước của 2 trạm Phong Phú 1 và Bình Chánh 4; lắp đặt bồn chứa nước cho vùng cấp nước của các trạm Quy Đức 3; Đa Phước 2, 3; Vĩnh Lộc A1. Tất cả những trạm này đều phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-12.
Riêng huyện Củ Chi, Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) tổ chức rà soát các điểm đặt bồn. Hiện nay, đã rà soát được 886/1.401 vị trí. Trong đó, 150 vị trí sẽ lắp đặt bồn, các vị trí còn lại được cấp nước bằng giải pháp phát triển mạng lưới cấp nước. UBND TP cũng đã chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Củ Chi tập trung vận động người dân, bảo đảm bàn giao mặt bằng các vị trí còn lại, chậm nhất là cuối tháng 9.
Người dân không dùng thiết bị xử lý nước
Theo báo cáo của UBND TP, việc hướng dẫn cách xử lý nước, sử dụng nước an toàn đến từng hộ dân trên địa bàn vẫn chưa đạt hiệu quả là do người dân không dùng thiết bị xử lý, có xử lý nhưng chưa đúng kỹ thuật hoặc không đủ khả năng để xử lý nước. Bên cạnh đó, địa phương thiếu kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các điểm cấp nước tập trung. Nhiều nơi buông lỏng quản lý để các tổ chức, cá nhân kinh doanh nước, làm cho chất lượng nước đến người sử dụng không bảo đảm và giá nước cao hơn so với quy định.
Bình luận (0)