Ông Lợi cho biết có trên 99% ĐBQH đồng ý ra nghị quyết ngay trong kỳ này theo đúng tinh thần để NLĐ lựa chọn nhận hưởng BHXH một lần đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc và NLĐ tham gia BHXH tự nguyện nhưng không tiếp tục đóng BHXH.
Theo ông Lợi, dự kiến vào chiều 22-6, QH bấm nút và ra nghị quyết. Nghị quyết này có hiệu lực đến năm 2020; đến lúc đó sẽ tổng kết, đánh giá và quyết định sửa hay không sửa điều 60.
Ông Lợi chia sẻ thêm: Vì NLĐ khó khăn nên mong muốn Chính phủ sửa đổi để nhận BHXH một lần. Luật pháp là xây dựng cho đối tượng chung chứ không làm cho riêng những người làm luật nên khi NLĐ chưa hoàn toàn thỏa mãn, thấy chưa được thì phải có một thời gian để người ta suy nghĩ lựa chọn. NLĐ nên cân nhắc kỹ. Với khó khăn trước mắt, nếu không có biện pháp nào xử lý được thì hãy nhận một lần; còn không thì cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian, tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, tránh rủi ro khi về già.
Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Có thể NLĐ chưa hiểu hoặc không nghĩ đến chuyện đó nên chúng ta phải tư vấn, làm sao cho NLĐ thấy được lợi ích. Bắt đầu vào năm 2018, Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội sẽ xác định đối tượng, mức hỗ trợ cho NLĐ có điều kiện khó khăn tham gia BHXH tự nguyện, có thể là 30% hoặc 40% của 22% tiền đóng BHXH.
Nhiều người nói 14% mà doanh nghiệp phải đóng thì cũng của NLĐ là sai vì phần NLĐ đóng chỉ được hạch toán vào giá thành sản phẩm nhưng bản chất là doanh nghiệp thực hiện chính sách xã hội để NLĐ lo về già chứ không phải để ăn. Cũng có ý kiến sửa điều 60 nhưng chỉ đồng ý lấy 8% thôi nhưng lấy 8% để làm gì”.
Cũng theo ông Lợi, Chính phủ cũng nên tính đến phương án cho NLĐ vay không lãi vì việc này vừa giải quyết khó khăn cho NLĐ vừa tạo cho họ có động cơ tham gia BHXH.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đánh giá quá trình thảo luận đã tạo được sự đồng thuận khá cao trong QH. “Khi Ủy ban Thường vụ QH gửi lại kết quả biểu quyết của ĐB với đa số ĐB đồng ý ra nghị quyết về điều 60, tôi hiểu rằng đó là sự tiếp thu của QH trước tâm tư, nguyện vọng của NLĐ” - bà Tâm chia sẻ và nhấn mạnh thêm rằng đây là việc tốt nhưng không phải ở khía cạnh muốn NLĐ nhận BHXH một lần.
“Ở đây có một giá trị duy nhất mà tôi cho tiến bộ là bảo đảm quyền lựa chọn của NLĐ. Bảo đảm quyền lựa chọn của NLĐ chứ không phải cho NLĐ quyền lựa chọn. NLĐ có quyền đó và QH tôn trọng quyền đó của NLĐ”. Tất cả ĐBQH đều mong muốn rằng NLĐ sẽ không lựa chọn quyền được nhận BHXH một lần khi mà họ không quá khó khăn. ĐB nào cũng muốn NLĐ làm việc ổn định, lâu dài, đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu” - ĐB Tâm khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng xã hội luôn hướng tới điều tiến bộ nhưng trong quá trình làm việc, NLĐ gặp một rủi ro nào đó, bất khả kháng cần sự hỗ trợ của xã hội, cần lấy lại tiền của mình nhưng nếu pháp luật không bảo lưu, đưa điều này vào luật mới thì vô hình trung mình tước đoạt quyền lựa chọn của NLĐ.
“Bảo vệ NLĐ là bảo vệ theo hướng quyền lựa chọn của NLĐ. NLĐ có quyền đó thì pháp luật phải bảo vệ” - ĐB Tâm nhấn mạnh.
Bình luận (0)