Giá ra củ quả tăng đột biến
Sáng 7-2, tức 29 Tết âm lịch, tại khu vực chợ trung tâm huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nhiều mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả giá tăng mạnh so với những ngày trước đó.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những ngày trước giá mặt hàng rau củ quả bằng hoặc tăng nhẹ so với ngày thường. Tuy nhiên chỉ trong sáng 7-2, nhiều mặt hàng tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Đơn cử là cà chua những ngày trước chỉ 10.000 đồng/kg đã nhảy vọt lên 25.000 đồng/kg, bắp cải buổi sáng chỉ 5.000 đồng/kg nhưng đến khoảng 10 giờ tăng lên 20.000 đồng/kg, rau xà lách từ 10.000 đồng/kg tăng lên 30.000/kg.
Nhiều mặt hàng rau củ trong sáng 7-2, đã tăng giá nhiều lần so với những ngày trước.
Bà Trần Thị Vân Anh, một thương lái bán rau cho biết do sáng nay nhu cầu mua rau quả tăng đột biến nên dù giá đã cao nhiều lần nhưng vẫn không có để bán. “Có thể do tâm lý chung là ngày Tết ăn nhiều thịt cá chán ngán nên người ta chuyển sang mua rau quả. Lượng người đổ xô mua mặt hàng này nhiều mà không có bán nên giá được đẩy lên cao”- bà Anh nhận định và cho biết trong sáng cùng ngày bà đã bán hết hơn 100 kg rau, sau đó cho người về nhà thu hoạch tiếp vườn rau dành để bán sau Tết.
Người dân mua sắm Tết ngày cuối năm
Theo nhiều người dân, dù giá thực phẩm tăng gấp nhiều lần nhưng vẫn “cắn răng” mua về để sử dụng cho những ngày Tết. “Mấy hôm trước giá rẻ nhưng tôi không mua do nghĩ để gần Tết mua thì rau tươi ngon, để được dài ngày hơn. Nay giá rau đắt hơn giá thuốc nhưng vẫn phải mua"- bà Vũ Thị Ngọt, một người vừa mua rau xong chia sẻ.
Trong khi đó thịt heo, gà, bò vẫn giữ mức giá so với những ngày trước và sức tiêu thụ những mặt hàng này tăng cao.
Quán ăn “tốc hành” nở rộ, chặt chém
Toàn tuyến Quốc lộ 1 qua địa phận huyện Bến Lức, Thủ Thừa, TP Tân An (Long An) dài khoảng 30 cây số, ven hai trục đường có nhiều quán ăn lâu đời, khá nổi tiếng. Những ngày cận Tết, bất ngờ xuất hiện khoảng gần 1.000 quán ăn di động.
Chỉ cần tấm bạt che tạm ven đường với 3-5 cái bàn, chục chiếc ghế là thành điểm ăn uống để đón khách vãng lai. Bên cạnh một số quán bán giá bình dân, không ít quán "chặt đẹp", còn chất lượng thì không thể kiểm soát được.
Xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tiếp giáp xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP HCM là cửa ngõ chính đi về miền Tây qua Quốc lộ 1. Cung đường này đi qua huyện Thủ Thừa và nút cuối là phường Tân Khánh, TP Tân An, bên kia cầu Tân Hương thuộc xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điều khá bất ngờ đối với người dân sinh sống ven đường, chỉ ngủ một đêm, sáng hôm sau trên phần đất trống của gia đình hoặc đất công cộng đã xuất hiện vài quán ăn “tốc hành”.
Qua cầu Bến Lức hướng về Tiền Giang, trước đây chỉ vài quán mua bán còn ế khách, bây giờ ồ ạt xuất hiện đủ loại quán, hầu hết những tấm bảng căng lên chỉ ghi tên các món ăn: cơm, phở, hủ tíu, cháo lòng và các loại nước uống. Thực đơn là vậy, nhưng khi ngồi xuống bàn, khách hiểu ngay thôi, chỉ có mì gói nấu nước lèo của hủ tíu hoặc món cháo lòng (cháo nhiều, lòng ít).
Anh Nguyễn Thành Sang (26 tuổi), ngụ tỉnh Trà Vinh, làm công nhân ở quận Bình Tân, TP HCM, kể: Anh chở vợ con về quê, mệt quá nên ghé vào ăn lót bụng. Lúc chủ quán đem thức ăn lên, tôi chỉ húp đúng hai muỗng rồi bỏ, mùi tanh lắm!
Khu vực này, nhiều khách bị "chém đẹp" với đủ loại giá khác nhau. Đầu tiên, chủ quán xem biển số xe, nhìn mặt rồi hét giá trên trời. Dĩa cơm 100.000 đồng chỉ vài lác thịt, vài cộng rau hoặc ba, bốn người ăn cái lẩu cá với dĩa bún trắng cũng mất gần 700.000 đồng. Một ly cà phê sữa đá có giá bán đến 60.000 đồng, trà đá 20.000 đồng, mặc dù giá niêm yết trên bảng chỉ là 20.000-25.000 đồng/tô.
Đoạn qua Cầu cầu Voi km 1943 thuộc xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa thì không thể tưởng tượng nổi. Các quán, lều, trại che chắn san sát nhau như “chợ đêm”. Một số điểm sửa xe honda lại mở thêm bán hủ tíu, cháo lòng, chồng vừa sửa xe tay đầy bụi, dầu nhớt cũng nhảy vào phụ vợ lặt rau, nấu nước lèo nhìn thấy phát… sợ.
Mất vệ sinh, dễ bị ngộ độc thực phẩm
Kiểu nấu ăn chụp giựt, không đủ nước rửa ly, chén, mua thực phẩm bẩn và nấu ăn mất vệ sinh chỉ có khách hàng lãnh đủ. Phóng viên Báo Người Lao Động đi thực tế toàn tuyến vào 3 ngày (ngày 4-2 đến trưa ngày 7-2), chứng kiến họ chế biến mà muốn nôn ói.
Quán ăn “sửa honda” giá tô hủ tíu 25.000 đồng.
Dao, thớt, chén đũa, ly muỗng đều ném lăn lóc trong một cái thau để ngoài trời đầy bụi. Rau sống, kể cả mì sợi, hủ tíu phơi ngoài trời nắng mất vệ sinh, khi có khách thì lấy vào nấu tốc hành, chưa kể mấy anh đang sửa xe cũng tham gia nấu cho khách. Tâm lý mong muốn về đoàn tụ sớm cùng gia đình nên khi bị "chém", ăn bẩn, hầu hết mọi người đều ngậm bồ hòn làm ngọt, trả tiền rồi đi, ít ai dám phản ánh.
Một chủ quán ở khu vực huyện Bến Lức vui ra mặt: "Một ngày bán chừng 20 dĩa cơm, nước uống thu 3 triệu đồng, lời chắc 2,5 triệu đồng, bán được 10 ngày Tết dư vài chục triệu đồng như chơi".
Nạn chặt chém, mua bán mất vệ sinh diễn ra công khai suốt đoạn đường dài qua địa bàn tỉnh Long An nhưng có thấy cơ quan nào quan tâm kiểm tra, xử lý vì cán bộ cũng đang... nghỉ Tết.
Bình luận (0)