Mới đây, khi Công ty Thiên Ngọc Minh Uy mở rộng hoạt động đến tận một số vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum để dụ dỗ bà con dân tộc thiểu số mua hàng giá “cắt cổ” với viễn cảnh được vẽ ra là “2-3 năm sẽ giàu to” thì sự bất bình lên đến đỉnh điểm.
Không bất bình sao được khi đi sâu tìm hiểu mới thấy hết mặt trái, sự tồi tệ của mô hình kinh doanh này. Với giá chiếc quần lót 10 triệu đồng, bếp điện từ Trung Quốc 5 triệu đồng..., đây là cả gia tài của bà con dân tộc thiểu số ở những vùng thâm sơn cùng cốc này. Cái đói, cái nghèo khiến nhiều người phải bán trâu, bò, nương rẫy để có tiền “đổi lấy sự giàu sang nhanh chóng” mà không phải chân lấm tay bùn.
Thực chất, bán hàng đa cấp là mô hình kinh doanh trực tiếp theo dạng mạng lưới mà không thông qua hệ thống đại lý. Lợi nhuận được chia cho các thành viên chính là số tiền dôi dư từ việc tiết kiệm chi phí cửa hàng, quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, để thu hút người tham gia, bất kỳ công ty kinh doanh đa cấp nào cũng phải lựa chọn những sản phẩm chuyên biệt, “không đụng hàng” để dễ dàng kích giá lên cao quá mức, tạo nguồn lãi “khủng” bù cho các thành viên có công lôi kéo nhiều người. Vấn đề là mấy người trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số lôi kéo được nhiều người tham gia để được hưởng sự giàu sang? Rốt cục, vì trót tham gia đường dây đa cấp, họ buộc phải sử dụng sản phẩm đã mua với giá rất đắt.
Trong kinh doanh đa cấp, giới bán hàng thường vẽ nên bức tranh giàu sang từ những khoản tiền rất lớn có được khi tham gia mạng lưới. Với những người thiếu am hiểu pháp luật như đa số đồng bào dân tộc thiểu số, họ rất dễ rơi vào “bẫy”, dẫn đến nợ nần, thậm chí tán gia bại sản.
“Virus” bán hàng đa cấp đang lây lan với mức độ chóng mặt với nhiều biểu hiện không lành mạnh. Để chấn chỉnh, tháng 5-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 nhằm siết chặt hoạt động này. Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động bán hàng đa cấp - đã yêu cầu bộ Công Thương, Công an điều tra nắm tình hình, đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua, các cơ quan quản lý chỉ dừng lại ở việc rút giấy phép kinh doanh đa cấp của một vài công ty có hành vi bất chính. Điều này thật sự không đủ mạnh để buộc họ phải dừng hoạt động. Doanh nghiệp sau khi bị rút giấy phép vẫn có thể dễ dàng đăng ký lại với một tên khác để tiếp tục kinh doanh.
Cứ như vậy, hàng ngàn người dân nghèo, nhẹ dạ, cả tin lại tiếp tục bị rút rỉa, bị lừa vì chiêu trò “đánh lận con đen”.
Bình luận (0)