Với hệ thống sông ngòi phong phú nên nước ta có nguồn tài nguyên cát dồi dào. Đó cũng là nguồn cơn của tình trạng khai thác cát quá mức, gây ra nhiều hệ lụy. Mới đây là chuyện nhiều quan chức của tỉnh Bắc Ninh, trong đó có cả chủ tịch UBND tỉnh này, bị nhắn tin đe dọa khi đề nghị dừng dự án nạo vét, tận thu cát trên sông Cầu, phải làm văn bản “cầu cứu” lên Thủ tướng. Một lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải) nói có một điểm “vênh” giữa Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Bắc Ninh là Cục Đường thủy nội địa khảo sát trên sông Cầu có 11 điểm cạn nhưng Bắc Ninh khẳng định không có điểm cạn nào. Bắc Ninh lại cho rằng việc nạo vét, thông luồng đường thủy nội địa trên sông là không cần thiết vì khảo sát của các ban, ngành và tỉnh cho thấy đã đáp ứng điều kiện. Theo tỉnh Bắc Ninh, Cục Đường thủy nội địa vẫn cố tình chấp thuận dự án để nạo vét là rất vô lý.
Ở xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, ngày 9-3, xảy ra sự cố vỡ hồ chứa bùn thải quặng thiếc của Xí nghiệp Thiếc Suối Bắc (Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh), bùn thải chảy vào ao hồ khiến cá chết hàng loạt, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp. Theo Cục Kỹ thuật an toàn môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, công ty xây hồ chứa bùn thải không đúng thiết kế mà chỉ đắp bằng đất, không gia cố. Trước đó đã từng xảy ra nhiều sự cố vỡ, tràn hồ ở nhiều địa phương do đơn vị khai thác khoáng sản thiếu biện pháp an toàn. Không chỉ gây thiệt hại dân sinh mà các hóa chất còn thẩm thấu, hòa trong nguồn nước, ảnh hưởng môi trường…
Bị “cát tặc” ngang nhiên khai thác kiểu tận thu, nhiều chân đê hư hỏng, bờ sông sạt lở nhưng khắc phục lại cực kỳ tốn kém. Để dẹp bỏ nạn này, phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật, làm rõ địa chỉ trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Về chuyện đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải đưa thành vấn đề trong hội nghị Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh cả hệ thống chính trị, cả bộ máy không lẽ nào chịu thua “cát tặc”. Còn với nguồn tài nguyên rừng, theo ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nay hầu như không còn nữa. “Nói rừng vàng nhưng người dân ở đó nghèo, rất bất công. Giờ thì rừng làm giàu cho lâm tặc. Tôi đi khắp cả nước và thấy rằng về cơ bản, rừng đã bị phá hết rồi”.
Cứ như thế, những nguồn tài nguyên quý giá của đất nước bị tận thu, tàn phá, chảy vào túi những kẻ đã giàu nay lại thêm giàu. Còn hậu quả trước mắt và lâu dài thì “sống chết mặc bây”. Những con đê vỡ, những trận lũ quét, đợt lụt kéo dài hàng tuần hàng tháng, để lại hậu quả nặng nề, bệnh tật và đời sống khốn khó bủa vây người dân. Khi “cát tặc” và “lâm tặc”, “khoáng tặc” giàu lên nhanh chóng thì dân nơi đó thêm nghèo, tài nguyên đất nước thêm cạn kiệt. Còn gì cho con cháu mai sau là câu hỏi nhức nhối cần được trả lời bằng hành động khẩn cấp và đầy trách nhiệm. Dù muộn, vẫn còn hơn không...
Bình luận (0)