Việc khai thác, mua bán gỗ thủy tùng ở lòng hồ Ea Ral, huyện Ea Hleo - Đắk Lắk hiện vẫn diễn ra công khai, nhộn nhịp mỗi ngày. Người dân địa phương cho biết kiểm lâm không bắt người dân lúc họ xăm tìm gỗ thủy tùng dưới hồ mà chỉ bắt lúc đưa gỗ ra khỏi nơi này.
Rất đông thương lái luôn túc trực quanh hồ Ea Ral chờ mua “thần dược” thủy tùng
Mua sống bán tươi
Chính vì né kiểm lâm nên không người nào liều mạng đem gỗ ra khỏi vùng hồ Ea Ral, nhất là những khúc gỗ lớn. Gỗ nhỏ, gỗ vụn được đem đi khá dễ dàng nhưng đôi khi cũng bị bắt giữ. “Lúc đó thì mất cả chì lẫn chài, cả gỗ lẫn phương tiện. Chính vì thế nên người dân thích bán gỗ tìm được ngay tại hồ và cầm tiền tươi về nhà” – P., thương lái dẫn tôi đi “học nghề”, cho biết.
Quanh hồ Ea Ral luôn có vài chục tay buôn gỗ túc trực, mỗi người còn có vài đàn em rải xung quanh để nghe ngóng, hễ có tin người dân nào tìm được gỗ lớn là báo ngay để chủ đến xem hàng và ngã giá. T., một tay buôn gỗ ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk có mặt ở vùng hồ Ea Ral cả tháng nay, chỉ một khúc gỗ thủy tùng dập dềnh trên mặt nước, khoe: “Tôi mua khúc gỗ đó với giá 300 triệu đồng. Gỗ đặc ruột, đường kính 85 cm, dài 15 m, tôi đang chờ đến tối vận chuyển ra khỏi hồ”.
Chợ gỗ diễn ra ngay tại bờ hồ Ea Ral. Khúc gỗ nào được kéo lên, lập tức các tay buôn gỗ ào đến xem và trả giá. Tùy vào kích thước gỗ lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, vân đẹp hay xấu và quan trọng là đặc hay rỗng ruột mà giá cả rất khác nhau. Gỗ đặc ruột thường được bán với giá rất cao, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Theo lời T., loại gỗ này không còn nhiều nên giá mới bị đẩy lên cao như vậy.
Phổ biến nhất là gỗ có đường kính 40 – 50 cm, dài khoảng 1,2 m, nếu đặc ruột thì có giá khoảng 15 triệu đồng, rỗng ruột chỉ chừng vài triệu đồng. Loại gỗ đường kính 70 – 85 cm hiếm hơn nên giá cao gấp 3 lần. Còn những khúc gỗ có đường kính trên 1 m thì cực hiếm nên giá cũng ngất ngưởng. “Mới đây, một nhóm 7 học sinh cấp 3 ở huyện Ea Hleo đã “trúng” một khúc gỗ đường kính trên 1 m. Mỗi đứa chia ra được hàng chục triệu đồng, lập tức đi sắm xe máy và điện thoại di động xịn” – T. kể.
Tuy nhiên, đó chỉ là giá bán gỗ “tươi” ngay tại hồ Ea Ral. Chỉ cần đem gỗ ra đến Quốc lộ 14 cách hồ chừng 1 km, giá đã đội lên gấp 3 - 4 lần. Mức giá này thường được giới buôn gỗ gọi là phí vận chuyển, phí rủi ro hoặc phí chung chi”. P. cho biết: “Khúc gỗ 300 triệu đồng mà ông T. mua được, muốn ra khỏi hồ phải chung chi 30 triệu đồng. Loại gỗ này 1 “ăn” 10 nên mất đi số tiền bằng 1/10 khúc gỗ vẫn còn lời”.
Cao điểm chợ đêm
Đêm về, mặt hồ Ea Ral không còn bị những người xăm gỗ khuấy động. Tại đây, ban đêm là cao điểm của việc buôn bán và vận chuyển “thần dược” thủy tùng.
22 giờ, tôi theo P. luồn lách qua mấy rẫy cà phê, rẽ vào một con đường nhỏ xíu gồ ghề rễ cây vào chợ gỗ đêm. Thực chất, chợ gỗ đêm chỉ là một khoảnh đất nhỏ rộng chừng 50 m2 nằm sát mép hồ Ea Ral, nơi có 2 nóc lều dựng tạm chuyên bán thức ăn nước uống do dân xăm gỗ. Rải rác quanh đó, vài đống lửa đốt bằng gỗ vụn để sưởi ấm và đuổi muỗi tỏa mùi thơm ngan ngát.
Tôi đếm sơ cũng đã thấy có đến 40 người hiện diện trong chợ gỗ đêm, đàn ông chiếm đa số. Tôi theo P. đến sát mép hồ xem gỗ. P. xắn cao quần lội bì bõm đến mép hồ, thọc tay xuống nước dò theo khúc gỗ để ước lượng đường kính, chiều dài và độ “đậm đặc” ruột gỗ. Trên bờ, cả chục người ào đến đứng đầy mép hồ chờ đợi, nghe ngóng. Sau mấy phút lần mò dưới nước, P. bước lên chê khúc gỗ không “ngon” rồi bỏ đi. Lập tức, một thanh niên chừng 20 tuổi lách qua người P., nhảy ngay xuống hồ xem khúc gỗ này.
P. tiến đến góc hồ, hỏi một thanh niên đang hơ tay cạnh đống lửa: “Có gỗ không?”. Người thanh niên hất mặt về phía hồ. P. liền phóng xuống nâng khúc gỗ to lên săm soi. Khúc gỗ to nhưng ruột không đặc lắm, kêu giá 2 triệu đồng. P. chê đắt và trả xuống 1,5 triệu đồng. Người thanh niên không chịu bán. Sau lưng tôi, Th., một thương lái trạc 45 tuổi, lên tiếng: “Chị mua 1,8 triệu đồng nhé. Đưa tiền tươi ngay bây giờ, lại đãi em một chầu nhậu. Được không, 5 phút nữa kéo két bia về liền?”. Người thanh niên cũng muốn bán nhanh nên gật đầu đồng ý...
Đã bước qua ngày mới, một số người chuẩn bị đi ngủ. Trong khi đó, vẫn có người chỉ ngồi bó gối, gục đầu, khép hờ mắt, hễ thấy bóng người tiến lại bờ hồ là bừng tỉnh ngay. Những người này thức để canh gỗ và sẽ đổi phiên sau vài giờ nữa. Từng mét vuông mép hồ đều đã có gỗ nằm dưới đó. Gỗ đã có chủ nên chúng tôi dừng lại lâu ở khu vực nào, lập tức sẽ có người ra tiếp chuyện ngay.
Trên đường về, P. chỉ tay về phía ngôi nhà nhỏ le lói ánh đèn điện bên mép hồ, bảo tôi: “Đó là nhà ông trùm gỗ lớn nhất vùng này. Gỗ to cỡ nào ông ta cũng chuyển đi được. Ông ta cũng không thèm đi đường vòng mà cứ đi đường chính”.
“Vùng an toàn”
|
Kỳ tới: Trùm gỗ lộng hành
Bình luận (0)