L. là đầu nậu gỗ thủy tùng lớn nhất vùng Ea Ral, huyện Ea H’leo - Đắk Lắk. Có thể nói thủy tùng của L. thuộc hàng tuyệt hảo. Những khúc gỗ giá vài triệu đồng bị L. bỏ lăn lóc ngoài bờ hồ Ea Ral; còn loại có đường kính 40 - 50 cm, giá 5-7 triệu đồng cũng chỉ là “đồ thường” đối với trùm gỗ này.
Thao túng hồ Ea Ral
Tôi gặp L. lúc ông ta đang ngâm mình dưới bến sắp xếp gỗ. Đúng như lời người dân địa phương, khu vực mà L. khai thác ở hồ Ea Ral tuyệt nhiên không có ai dám bén mảng đến xăm gỗ.
Khoảng 200 m2 đất quanh căn nhà nhỏ bên hồ của L. có nuôi cả chó bẹc-giê để canh gỗ. Trong nhà không có vật dụng gia đình gì, chỉ có 2 chiếc giường, lúc này 4 người đang nằm ngủ.
Phía sau nhà có 2 ao nhỏ để chứa gỗ. Cỏ xung quanh bờ ao ngả rạp, một số chỗ đất sạt lở - dấu vết của những lần kéo gỗ lên xuống. Biết L. còn sản xuất cả đồ mỹ nghệ từ gỗ thủy tùng, tôi ngỏ ý muốn mua vài cặp độc bình lớn để chuyển về TPHCM. L. hẹn hôm sau sẽ bàn chuyện.
Gặp lại sau một đêm, tôi thấy gương mặt L. đầy vẻ mệt mỏi. L. bảo một tuần nay, đêm nào cũng có thương lái tìm đến mua gỗ nên ông ta phải thường xuyên thức trắng. “Làm cái nghề này phải có mắt nhìn để khỏi bị hớ giá nên không thể tin ai, kể cả anh em, họ hàng” – L. giải thích.
Ngôi nhà và ao chứa gỗ thủy tùng của trùm L. ở hồ Ea Ral
L. cho biết đã bỏ ra 30 triệu đồng đầu tư hệ thống dây tời để săn tìm gỗ thủy tùng dưới lòng hồ Ea Ral nên dù mùa mưa đến cũng không ảnh hưởng gì.
Ông ta khoe: “Với tốc độ khai thác như hiện nay, khoảng một tháng nữa, hồ sẽ không còn thủy tùng. Tuy nhiên, số gỗ mà tôi dự trữ để làm mỹ nghệ, để bán phải đến 2 năm nữa mới hết. Toàn bộ gỗ to đều vào tay anh em nhà tôi. Bây giờ gỗ cỡ nào tôi cũng thu mua, cứ gom để đầy nhà, đầy rẫy của tôi và họ hàng. Đến khi thủy tùng khan hiếm hơn thì mấy khúc gỗ nhỏ sẽ làm nên chuyện lớn đấy”.
L. cho biết khúc gỗ thủy tùng to nhất của ông có đường kính đến 2,5 m. Hiện L. cũng đang sở hữu khúc gỗ dài gần 3 m, đường kính 1,5 m, được xem là vô giá.
L. bảo mỗi tháng chỉ có thể giao cho tôi 5 cặp độc bình, ông ta “bao đường” đến tận TPHCM, giá trên 100 triệu đồng/cặp. L. giải thích: “Loại gỗ thủy tùng thô đường kính 40 - 45 cm, dài 1,6 m để làm độc bình giá đã 10 triệu đồng nên khi ra thành phẩm phải bán giá như vậy. Hay là cô mua gỗ đi, tôi bán loại dài khoảng 80 cm, đường kính 30 - 40 cm. Tôi sẽ cho gỗ vào túi du lịch, bỏ vào cốp xe để chuyển về TPHCM”.
Tôi ngỏ ý muốn xem sản phẩm, L. bảo phải đến thị xã Buôn Hồ - Đắk Lắk mới có.
Nói về chuyện “vượt ải” kiểm lâm, L. khoe: “Phải quen biết chứ! Một cặp độc bình bán cho cửa hàng ở TPHCM giá 140 triệu đồng, trừ giá gỗ chừng 40 triệu đồng, chung chi khoảng 50 triệu đồng, tôi vẫn lãi 50 triệu đồng”. Dù vậy, L. vẫn khuyên tôi nên mua sản phẩm chứ không nên mua gỗ để tránh rủi ro.
Thâu tóm Buôn Hồ
Tình cờ có được số điện thoại của H. trên internet, tôi liên hệ đặt hàng và được ông ta hẹn đến nhà ở thị xã Buôn Hồ. Nhà H. nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo, lúc tôi đến, có hai thợ đang đục đẽo tượng ông địa và bộ tam đa bằng gỗ thủy tùng cao cỡ 1,3 m.
Trong nhà H. chưng cả chục cặp độc bình bằng gỗ thủy tùng cao chừng 40 – 50 cm, trong đó có một số cặp vân da báo, nhìn trong và sáng như ngọc, rất khó tìm và đang hút hàng, giá 6 triệu đồng/cặp. Tôi chê giá đắt, H. phật ý: “Còn phải chung chi nữa chứ?”.
H. đưa tôi xem hàng loạt hình ảnh sản phẩm mà ông ta đã bán, toàn hàng “khủng”. “Toàn bộ hàng bằng gỗ thủy tùng ở các cửa hàng trên đường Cộng Hòa – TPHCM đều do tôi giao. Nếu cô có “đường” thì tôi sẽ giao hàng ngay tại thị xã, còn không thì tôi sẽ lo cho” – H. bảo.
H. tự hào cho biết ông ta giao hàng đi TPHCM được do có nhiều lợi thế: “CSGT trên tỉnh tôi đều quen nên bảo kê cho cô được. Tôi chỉ hơi e ngại trạm Cây Chanh ở Đắk Nông thôi”. Ngoài TPHCM, H. cũng giao hàng ở tận Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Về nguồn gỗ thủy tùng, H. cho biết ông ta vào buôn dân tộc “săn” hoặc đến Krông Năng – Đắk Lắk mua về. “Gỗ ở dưới đầm lầy Krông Năng vẫn còn khá nhiều, săn gỗ nơi đó có phần cực hơn ở Ea Ral vì phải xăm rồi đào bới. Tuy nhiên, gỗ ở Ea Ral hay bị vàng, không phải “hàng xanh” nên làm ra sản phẩm không đẹp bằng gỗ ở Krông Năng” - H. phân tích.
Hàng của H. để rải rác khắp nơi. Ông ta dẫn tôi đi xem cặp độc bình cao 1,6 m đang để nhờ nhà người quen ở gần chợ thị xã Buôn Hồ. Đến nơi, tôi còn thấy một cặp độc bình cao 1,3 m, một tượng ông địa. Nghe tôi đòi xem bộ tam đa, H. liền chở tôi đến xem hàng tại một nhà khác và ra giá 37 triệu đồng nếu lấy tại thị xã và 45 triệu đồng nếu giao tại TPHCM.
H. phân trần: “Giá này là hữu nghị rồi đấy. Hàng tôi chuyển xuống TPHCM đều phải tăng lên khoảng 20 triệu đồng, xem như phí “đi đường”. Thấy tôi vẫn đắn đo, ông ta lớn tiếng: “Việc buôn bán gỗ thủy tùng ở thị xã Buôn Hồ này đều do anh em nhà tôi thâu tóm, ai nhảy vào cạnh tranh thì chỉ có nước chết”!
Gỗ thủy tùng được chia thành 3 cấp: đen, xanh và đỏ. Gỗ đen là loại khai thác lâu năm, khá nhẹ vì đã mất hết chất dầu. Gỗ xanh được giới chơi đồ gỗ rất chuộng vì màu sắc đẹp. Giá trị nhất là gỗ đỏ bởi đây là gỗ mới, rất hiếm hàng vì ít ai chặt được cây còn sống.
Bình luận (0)