xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thờ ơ với vốn quý

Bài và ảnh: ÁNH NGUYỆT

“Anh em đều cố gắng hết sức rồi, giữ thủy tùng được đến đâu thì giữ. Giờ chỉ có cách mỗi người ôm một gốc cây thì may ra mới giữ được” – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Hleo bộc bạch

Đứng từ Trạm Bảo vệ thủy tùng Ea Ral ở hồ Ea Ral, huyện Ea Hleo - Đắk Lắk, tôi thấy vài chục cây thủy tùng vươn cao trên nền trời nhưng hầu hết đều khô héo, thiếu sức sống.

Ông Bùi Tiến Thông, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thủy tùng Ea Ral, rầu rĩ: “Đã rất lâu rồi, chúng tôi chưa hề thấy một cây thủy tùng con nào. Cây vẫn cho hạt nhưng toàn hạt lép”.

img

Những cây thủy tùng ít ỏi còn lại ở Ea Ral


Khoán trắng cho kiểm lâm


Ông Phạm Quang Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Hleo, bộc bạch: “Anh em đều cố gắng hết sức rồi, giữ thủy tùng được đến đâu thì giữ. Giờ chỉ có cách mỗi người ôm một gốc cây thì may ra mới giữ được”.

Để vốn quý thủy tùng ngày càng ngắc ngoải, theo ông Vinh, điều đáng trách nhất là sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông Vinh ngao ngán: “Không cách nào ngăn được người đến khai thác gỗ dưới hồ Ea Ral. Chặn đầu này, họ đi đầu kia. Họ bảo đến hồ tắm thì mình đâu có quyền cấm cản. Còn cây xanh thì địa phương không cử người phối hợp giữ gìn, hầu như khoán trắng việc bảo vệ thủy tùng cho lực lượng kiểm lâm”.

Trạm Bảo vệ thủy tùng Ea Ral chỉ có 5 người và một con chó bẹc-giê, có nhiệm vụ bảo vệ gần 200 cây thủy tùng sống rải rác trong khoảng 20 ha rừng đặc dụng - toàn bộ khu rừng được quy hoạch là 49 ha, kể cả hồ Ea Ral.

Tôi hết sức ngỡ ngàng khi chứng kiến bộ dạng nhếch nhác của các kiểm lâm viên khi họ chuẩn bị vào rừng tuần tra: mũ lưỡi trai trên đầu, áo phông cũ kỹ, mặc quần đùi, mang dép lê. Các kiểm lâm viên giải thích do thủy tùng ở đây sống trong vùng đầm lầy nên mỗi lần vào rừng tuần tra, họ phải mặc quần đùi để... lội cho dễ!
 
Vào mùa mưa, nước dâng lên càng khó đi tuần, cũng không thể dùng xuồng máy vì vướng gốc cây. “Bây giờ không còn ranh giới giữa rừng với bên ngoài nên người dân cứ ra vào. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm lại hàng rào thép gai, làm đường quanh khu rừng đặc dụng để ngăn cách” - ông Vinh cho biết.


Theo ông Vinh, điều cấp bách nhất hiện nay là phải thành lập ngay khu bảo tồn để bảo vệ thủy tùng. Lúc đó mới có ban quản lý riêng, có lực lượng bảo vệ riêng và đội ngũ nghiên cứu gây giống cây thủy tùng.

Việc cắt cử vài nhân viên của Hạt Kiểm lâm Ea Hleo đến bảo vệ cả khu rừng rộng lớn như hiện nay chỉ là biện pháp không căn cơ. Thế nhưng, đề án lập khu bảo tồn loài - sinh vật cảnh Ea Ral hiện vẫn còn “đi lòng vòng”, trong khi thủy tùng ngày một khô héo, già cỗi.

Trước đây, Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Đà Lạt - Viện Khoa học Lâm nghiệp VN đã nhân giống thành công cây thủy tùng nhưng đem ra trồng trong tự nhiên, thậm chí tại rừng đặc dụng Ea Ral lại không sống nổi.


Ông Vinh cho biết Hạt Kiểm lâm huyện Ea Hleo đang xin kinh phí để đánh số lại toàn bộ thủy tùng trong rừng nhằm tránh bỏ sót cây và dễ quản lý.

“Bây giờ, từng gốc cây thủy tùng trong rừng đều bị lâm tặc dòm ngó, chờ thời cơ - như lúc mưa to gió lớn hoặc lực lượng kiểm lâm sơ ý - để vào rừng đốn hạ. Nhiều đoạn hàng rào thép gai bao quanh rừng đặc dụng đã bị họ phá hủy để chui vào rừng” - ông Vinh tiết lộ.

Tàn lụi đất sống


Theo Cẩm nang ngành lâm nghiệp năm 2006, sau khi đã hạ bớt mực nước trong hồ Ea Ral, hai phần ba cây thủy tùng trong rừng đặc dụng Ea Ral vẫn sống trong tình trạng chưa phục hồi hoặc không thể phục hồi.
 
Nhiều cây chỉ còn trơ thân và rất ít lá, cành. Các cây này đang đứng trước nguy cơ tàn lụi bởi đất xung quanh khu bảo tồn bị dân lấn chiếm làm nông nghiệp khiến môi trường sống bị thu hẹp, thủy tùng sinh trưởng kém và không tìm thấy cây tái sinh từ hạt.

Trong một nghiên cứu khác mang tên “Thông VN – Nghiên cứu hiện trạng bảo tồn 2004” (Tổ chức Fauna và Flora International, Chương trình VN), cả hai quần thể thủy tùng cuối cùng còn lại ở VN tại Ea Ral và Krông Năng – Đắk Lắk đều đang giảm về số lượng, đồng thời gặp những đe dọa lớn do cháy rừng và những thay đổi của nơi sống, chủ yếu là do chuyển đổi nơi sống thành đất nông nghiệp.

Hai khu đầm lầy có thủy tùng bị bao bọc bởi các vườn cà phê, điều này có thể dẫn đến những thay đổi về chế độ nước của khu vực.

Việc chặt phá cây các khu vực xung quanh diễn ra mạnh nên đã không còn khả năng nối các khu vực đầm lầy này với những vùng rừng thích hợp khác.

Một nguyên nhân nữa khiến thủy tùng trong rừng đặc dụng bị suy thoái mạnh là do người dân cố ý gây cháy ở đầm lầy để bắt rắn. Theo nghiên cứu trên, quần thể thủy tùng ít ỏi hiện nay có thể suy giảm khoảng 25% trong vòng một thế hệ tới.

Để giảm nguy cơ tuyệt chủng thủy tùng, việc nhân giống và trồng phục hồi là một biện pháp quan trọng. Tuy nhiên, hạt giống thủy tùng đã được thu hái nhiều lần nhưng không có khả năng nảy mầm.

Nguyên nhân chính khiến những thử nghiệm nhân giống sinh dưỡng của Viện Khoa học Lâm nghiệp VN có tỉ lệ thành công không cao có thể do phần lớn các cây đều đã già và luôn thiếu vật liệu cho nhân giống.

Các nghiên cứu đều nhấn mạnh những nỗ lực bảo tồn tại chỗ cần tiếp tục được duy trì, đặc biệt là ở đầm lầy Ea Ral vì có thể đây là một dạng quần xã không còn tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác.

 

Không có chung chi?


Về tình trạng “qua ải kiểm lâm” của các trùm buôn gỗ, ông Phạm Quang Vinh khẳng định không hề có việc chung chi. “Có khi anh em mệt quá đi ngủ, không kiểm soát được nên gỗ mới lọt ra ngoài” - ông Vinh giải thích.

Theo ông Vinh, nếu để Hạt Kiểm lâm Ea Hleo bắt được vụ vận chuyển gỗ thủy tùng nào thì những người ở Trạm Bảo vệ thủy tùng Ea Ral trực ca đó đều bị đình chỉ công tác. Đến nay, đã có 2 kiểm lâm viên bị đình chỉ công tác vì tắc trách, để lọt gỗ thủy tùng ra ngoài.


Năm 2009, Hạt Kiểm lâm Ea Hleo đã bắt được 22 vụ vận chuyển gỗ và chặt phá cây thủy tùng sống nhưng mới xử lý được 4 vụ. Trong đó, có một vụ do đàn em của trùm L. ở vùng hồ Ea Ral thực hiện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo