Vụ lao động Hoàng Thị Văn (ngụ thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) làm việc chui tại Angola bị bọn cướp sát hại dã man gây chấn động cộng đồng người Việt ở nước này trong những ngày qua. Vụ việc là lời cảnh tỉnh cho những ai ôm mộng đổi đời, tìm mọi cách sang thị trường đầy bất ổn này.
Liên tục bị giết
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, đêm 30-11, chị Văn cùng anh Nguyễn Văn Vinh (quê Hà Tĩnh) và một người Angola đang ngủ trong khu nhà trọ ở tỉnh Huam thì bị cướp vào trấn lột tiền, dùng xăng đốt. Chị Văn tử vong vào ngày 7-12 sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Còn anh Vinh và một người Angola bị phỏng nặng, tình trạng nguy kịch.
Các vụ cướp tấn công và sát hại lao động Việt Nam ở Angola liên tục diễn ra trong thời gian qua. Trước đó, ngày 3-3, tại tỉnh Uige, anh Đặng Quốc Nghĩa (trú xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) trên đường đi làm về thì bị cướp chặn đường trấn lột. Do không mang theo tiền, anh Nghĩa bị bọn chúng bắn chết. Hai ngày sau, cũng tại tỉnh Uige, anh Nguyễn Viết Hậu (trú xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) bị một nhóm cướp sát hại. Không lâu trước khi anh Hậu tử nạn, ở Luanda, anh Lê Văn Quế (ngụ xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị bọn cướp bắn chết khi đang trên đường đi làm về.
Liên lạc với chúng tôi qua Facebook, một lao động tên Hậu (quê Hà Tĩnh), đang làm việc ở Lubango, cho biết có khoảng 700 lao động Việt Nam tại địa phương này và nỗi lo sợ nhất của họ là bị cướp tấn công. “Chúng tôi không dám ra đường vào buổi tối. Có việc gì cũng hẹn nhau đi thành nhóm. Mọi người còn dặn dò làm được đồng nào là gửi về nước, tuyệt đối không mang nhiều tiền khi đến nơi làm việc” - anh Hậu chia sẻ.
Vỡ mộng đổi đời
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Văn sang Angola làm việc chui từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Phụ (mẹ chị Văn) đau đớn: “Gia đình chỉ mong đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Angola giúp đỡ kinh phí để có thể đưa thi hài con về quê chôn cất”.
Cũng như chị Văn, những người sang Angola làm chui chủ yếu ở nông thôn nghèo. Thôn Linh Trung (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi có nhiều người dân rời quê sang tận quốc gia vùng Tây Nam châu Phi làm việc. Bà Nguyễn Thị Hạnh (70 tuổi, ngụ thôn Linh Trung) không cầm được nước mắt khi nhắc đến người con trai xấu số Lê Văn Quế. “Nhà nghèo, không có việc làm nên gia đình vay được 5.000 USD để cháu sang Angola. Làm được hơn 1 năm, chưa đủ tiền trả nợ thì gia đình bất ngờ nghe tin cháu bị cướp bắn chết. Đi làm việc chui nên chết không được đền bù gì cả, giờ chỉ khổ vợ và con nhỏ bơ vơ” - bà Hạnh đau xót. Lãnh đạo UBND xã Xuân Liên cho biết cái giá mà các gia đình có con em đi làm chui ở Angola quá đắt. Do hoàn cảnh nghèo, không có việc làm nên nhiều gia đình mới cho con em sang Angola để rồi bỏ mạng nơi xứ người.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ năm 2013 đến nay, có khoảng 50 lao động Nghệ An và Hà Tĩnh - 2 địa phương có đông người sang Angola - tử vong ở nước này, chủ yếu do bị bệnh sốt rét và bị cướp sát hại.
Di cư gia tăng
Cộng đồng người Việt Nam ở Angola hiện có khoảng 40.000 người. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, thông qua các đường dây tuyển dụng do một số người định cư ở Angola móc nối với “cò” xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong nước, khá nhiều lao động sang đây làm việc. Ước tính con số này khoảng 5.000 - 7.000 người.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ, cho biết đa phần lao động Việt sang Angola theo visa du lịch thời hạn 3 tháng sau khi tìm cách xin visa lao động. Để được xuất ngoại, mỗi người phải chung chi 6.000 - 7.000 USD, thậm chí nhiều hơn.
Angola là một trong những quốc gia giàu nhất châu Phi, nếu có việc làm đầy đủ, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam (chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng) đạt từ 800 - 1.000 USD/tháng. Đây là lý do chính khiến nhiều lao động sang đây bằng mọi giá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có bất ổn an ninh, cướp bóc hoành hành mà đến nay Bộ LĐ-TB-XH chưa có chủ trương mở rộng XKLĐ sang thị trường này sau giai đoạn thí điểm, từ năm 2014 đến nay.
Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết hiện chỉ có 6 doanh nghiệp (DN) XKLĐ được thí điểm đưa lao động sang làm việc tại Angola, gồm: HLC, VTC Corp, Oleco, Taylor, IMS, Labcoop. Các DN này đã đưa được 251 lao động sang Angola và hiện chỉ còn 34 người đang làm việc theo hợp đồng.
Không nên đi chui
Theo Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, nhiều lao động Việt Nam tại Angola làm việc ở những DN không được chính phủ cấp hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài (chủ yếu ở công trình do nhà thầu Trung Quốc bán lại) nên dù xin được visa lao động vẫn không được coi là lao động hợp pháp. Vì lý do này, một số trường hợp bị giới chủ o ép, nợ lương, ngược đãi, không được chăm sóc y tế đầy đủ.
Đây cũng là lý do cùng với tình hình an ninh không được bảo đảm, từ vụ lao động Hoàng Thị Văn, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cảnh báo người lao động không nên đi làm việc chui ở Angola. “Người dân chỉ nên đi qua DN được cấp phép, để được pháp luật bảo vệ và được DN hỗ trợ, can thiệp trong thời gian làm việc tại Angola” - bà Trần Thị Vân Hà khuyến cáo.
Bình luận (0)