Theo đó, chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014 đạt tới 71% hay 7/10 điểm; 92% doanh nghiệp được hỏi cho rằng pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực; phần lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát có tiếp đón thanh kiểm tra thuế trong năm 2014 cho biết thái độ của cán bộ thuế đúng mực... Thế nên, cho dù vẫn còn 32% doanh nghiệp thú nhận phải trả phí “bôi trơn” cho cán bộ thuế thì bức tranh lĩnh vực thuế mà VCCI lần đầu tiên vẽ ra trong một cuộc khảo sát quy mô vẫn có màu khá tươi sáng.
Bức tranh thuế do VCCI phác thảo rồi công bố với sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Tài chính, bộ chủ quản của ngành thuế, không như điều lâu nay chúng ta vẫn thấy khi đề cập lĩnh vực được xem là một trở lực trong môi trường đầu tư kinh doanh. Không như kết quả màu hồng về ngành thuế năm 2014 theo khảo sát của VCCI, Báo cáo môi trường kinh doanh cập nhật năm 2015 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi đầu năm nay cho thấy chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã bị tụt 22 bậc, từ hạng 149 năm 2013 xuống vị trí 171 trên thế giới năm 2014. Số giờ làm thủ tục về thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam cũng lớn nhất trong khu vực.
Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đầu tháng 7 vừa qua đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt ngành thuế nhằm tháo gỡ một “điểm nghẽn” trong môi trường đầu tư kinh doanh. Người đứng đầu Chính phủ nêu bật 6 lĩnh vực còn nhiều hạn chế để ngành thuế tập trung khắc phục, trong đó nổi bật là công tác quản lý thuế còn yếu kém so với mong muốn của người dân và với các nước khu vực, nhất là về số giờ và số lần nộp thuế…
Vậy phải chăng đã có 2 bức tranh khác nhau về ngành thuế nước nhà? Chưa rõ cuộc khảo sát của VCCI dựa theo quy chuẩn nào của việc điều tra, khảo sát song có thể thấy rằng khảo sát của WB được tiến hành dựa theo những chuẩn mực được thế giới công nhận và thừa nhận về tính khách quan, khoa học. Bất ngờ trước số liệu mà WB công bố trong báo cáo hồi đầu năm, quan chức ngành thuế đã đề nghị định chế tài chính này xem lại cơ sở dữ liệu để vẽ ra một bức tranh chẳng mấy sáng sủa.
Kết quả của các cuộc điều tra, khảo sát dù thế nào cũng chỉ mang tính tham khảo, khuyến nghị, khuyến cáo. Tuy nhiên, nếu kết quả thiếu chính xác hay không khách quan có thể làm chệch hướng nỗ lực cải cách một lĩnh vực có vai trò quan trọng với môi trường đầu tư kinh doanh như thuế.
Bình luận (0)