Tổ chức Động vật châu Á (Animal Asia) vừa có văn bản gửi Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Cục Kiểm lâm TP HCM cùng các cơ quan chức năng về việc không nên sử dụng động vật, động vật hoang dã quý hiếm diễn xiếc phục vụ khách du lịch. Điều đáng quan tâm, mặc dù UNESCO Việt Nam đã yêu cầu dừng hoạt động xiếc thú ở Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (TP HCM) nhưng nó vẫn tiếp diễn.
Người vui, thú khóc
Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là thiên đường tự nhiên của nhiều loài sinh vật hoang dã, trong đó có hàng ngàn cá thể khỉ đang được tự do sinh sống trong khu rừng ngập mặn trải rộng giáp biển.
Mặc dù được giao nhiệm vụ bảo vệ, hướng dẫn du khách đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ lại chọn tổ chức diễn xiếc thú trên Đảo Khỉ - một trong những điểm nhấn khi đến đây tham quan. Rạp xiếc thú này thường diễn các tiết mục: chó nhảy qua vòng lửa; khỉ bị xích cổ, bịt mắt đạp xe, nhào lộn... Đây là những trò diễn nguy hiểm, không đúng với hành vi tự nhiên của chúng. Dưới roi vọt của người quản thú, chúng không có cách nào khác hơn là biểu diễn trong nỗi sợ hãi, ánh mắt van xin cầu khẩn trong tiếng cười của khán giả.
Về những vấn đề này, Tổ chức Động vật châu Á đã gửi công văn tới Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ khuyến nghị dừng biểu diễn xiếc thú. Sau khi nhận được thông tin, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã đưa ra tuyên bố: “Việc dùng động vật trong biểu diễn xiếc với các trò diễn có bạo hành thể chất và tinh thần không được phép diễn ra ở bất cứ đâu. Đây là hoạt động vi phạm đạo đức sinh học và bảo tồn không thể chấp nhận được, đặc biệt là ở khu dự trữ sinh quyển của UNESCO và hoạt động này cần phải chấm dứt”.
Thế nhưng, để giải thích cho hoạt động của mình, đại diện Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ lại cho rằng: “Thông qua mô hình xiếc thú muốn chuyển đến du khách một thông điệp hãy quý trọng thiên nhiên và yêu mến các loài động vật rất hòa đồng, thân thiện với con người (!?)”.
Nguồn thú từ đâu có?
Gấu ngựa hay gấu đen châu Á được đưa vào danh mục IB Nghị định 32/2006 và Nghị định 160/2013 của Chính phủ thuộc nhóm động vật nguy cấp được pháp luật bảo vệ và bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng cho các mục đích thương mại. Tuy nhiên, chúng vẫn đang bị khai thác, sử dụng theo nhiều mục đích khác nhau như nuôi lấy mật, quảng cáo và biểu diễn.
Tại Việt Nam, gấu ngựa được sử dụng tại 40% các rạp xiếc trên cả nước. Gấu được sử dụng thuộc các độ tuổi khác nhau, từ gấu con tới gấu già và chúng bị ép phải thực hiện các trò xiếc, trong khi không được chăm sóc tốt như môi trường tự nhiên.
Khi biểu diễn, gấu thường được đeo rọ với một sợi dây buộc vào phía sau rọ, người diễn xiếc cũng dùng sợi dây này và roi để buộc gấu biểu diễn. Theo thống kê của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, tiết mục mà gấu thường bị ép biểu diễn là đi xe đạp (80% cơ sở), đi thăng bằng (60% cơ sở) và đi xe máy (30% cơ sở).
Tại Khu Du lịch văn hóa Đầm Sen (TP HCM), nhiều du khách khi xem diễn thú đã tỏ ra bất bình nên lên tiếng phản đối. Sau khi tiếp nhận những phản ứng này, Tổ chức Động vật châu Á đã gửi kiến nghị đến Kiểm lâm TP HCM nhưng đơn vị này phản hồi rằng những cá thể gấu con đều có nguồn gốc hợp pháp.
Trên thực tế, tình trạng săn bắt gấu ngựa con vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và những cơ sở nuôi bảo tồn động vật hoang dã hàng đầu tại Việt Nam như Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Vườn thú Hà Nội… chưa từng thành công trong việc sinh sản bảo tồn loài gấu này. Chính vì vậy, Tổ chức Động vật châu Á nghi ngờ về nguồn gốc của những cá thể gấu này và sẵn sàng thực hiện các xét nghiệm DNA nhằm xác định nguồn gốc của chúng.
Ngoài gấu ngựa, Khu Du lịch văn hóa Đầm Sen cũng đang sử dụng một cá thể đười ươi (dã nhân) thuộc loài động vật được quốc tế ra sức bảo vệ do phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao, đặc biệt do nạn chặt phá rừng tại Indonesia. Vấn đề này cũng đã được Tổ chức Bảo tồn các loài Linh trưởng lớn (GASP UNEP, một tổ chức thuộc UNEP và UNESCO) phản đối.
Tổ chức Bảo tồn các loài linh trưởng lớn đặt ra hàng loạt vấn đề với các cơ sở tổ chức xiếc thú nhưng đến nay không có lời giải. Công tác quản lý đối với những đơn vị này vẫn đang bị bỏ ngỏ, tạo ra một lỗ hổng và nhu cầu cho hoạt động săn bắt cũng như buôn bán động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam. Số phận những con vật hết tuổi biểu diễn sẽ đi về đâu khi các rạp xiếc không có cơ sở vật chất để chăm sóc hay bảo tồn? Và đâu là nguồn cung chính cho các rạp xiếc, khi ngay cả các cơ sở bảo tồn chính thức cũng chưa thể sinh sản thành công những loài động vật đó?
Bà VI THẢO NGUYÊN, đồng sáng lập Tổ chức Yêu Động Vật:
Rất dễ bị tấn công
Việc nuôi nhốt loài động vật thông minh, có tính xã hội cao trong môi trường hạn chế có thể làm suy giảm tuổi thọ của con vật và dẫn đến các hành vi bất thường như tăng xung đột, tự gây chấn thương và hình thành các hành vi bất thường lặp đi lặp lại. Điều này còn tạo ra nguy cơ cao trong việc con vật vì ức chế tâm lý sẽ có lúc tấn công con người, nhất là những người trực tiếp huấn luyện cho mục đích xiếc thú.
Trên thế giới đã xảy ra không ít trường hợp như vậy và đó cũng là một trong những lý do mà hầu hết các nước phát triển ngày nay đều cấm hoặc tẩy chay xiếc thú, bởi nó không chỉ xâm phạm thô bạo đến đời sống và bản năng tự nhiên của con vật mà còn gây nguy hiểm cho con người.
Một vấn đề khác mà tôi nghĩ tất cả rạp xiếc thú đều không muốn người xem biết, đó là việc họ đã sử dụng bạo lực không khác gì cực hình trong quá trình huấn luyện những con thú. Động vật không tự nhiên nghe theo mệnh lệnh, nó đã phải nếm đủ đòn roi, dùi cui, xiềng xích, búa và thậm chí bị chích điện mỗi ngày để có thể đạp xe, lắc vòng, nhảy dây... mua vui cho con người.
NSƯT PHI VŨ, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam:
Rất khó dừng
Về khía cạnh phúc lợi động vật, chúng tôi luôn trân trọng những kiến nghị của các tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, nếu kiến nghị dừng xiếc thú thì e rằng rất khó khả thi vì đó là nguồn sống của nhiều người cũng như phục vụ nhu cầu giải trí cho các cháu thiếu nhi là chính.
Từ rất lâu, việc đem thú ra sân khấu biểu diễn đã có nhiều người phản ứng. Thế nhưng bây giờ, các đoàn xiếc chỉ sử dụng những con thú nhỏ như khỉ, chó, trăn… để biểu diễn. Chúng tôi xem những con vật này như là thành viên thân thiết trong đoàn xiếc vì chúng được nuôi nấng từ nhỏ và đã quen với quản trò nên khi ra sân khấu cũng vui vẻ chạy nhảy chứ không bị đánh đập gì.
Ông DAVE NEALE, Giám đốc phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật châu Á:
Hành vi tàn nhẫn
Chúng tôi đã khuyến nghị với Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ và UNESCO trong một thời gian đủ dài để đơn vị quản lý có thể chủ động chấm dứt những sự bạo hành động vật đang diễn ra ở cơ sở nhưng dường như cơ quan này không muốn làm vậy khi không có sức ép của công luận.
Hoạt động biểu diễn này rõ ràng không có tính giáo dục. Đây là hành vi bóc lột động vật tàn nhẫn và cần phải chấm dứt. Các buổi biểu diễn này sẽ cho các em thiếu nhi thấy rằng động vật hoang dã tồn tại để bị mặc quần áo, bắt diễn trò cho mọi người cười mà không quan tâm đến những thứ tốt nhất cho chúng. Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ cần nhận ra rằng đây không phải là điều du khách muốn xem, đây không phải hoạt động giáo dục...
Bình luận (0)