Đó là trả lời của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2015 trước câu hỏi của báo chí: “Tại sao đề án Quy hoạch báo chí, một chính sách rất quan trọng đối với các cơ quan báo chí cả nước, sắp được ban hành nhưng chưa được công khai để lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật?”.
Nhiều nhưng trùng lặp
Theo ông Nguyễn Bắc Son, sau 90 năm xây dựng, trưởng thành, báo chí trong nước đã không ngừng lớn mạnh. Hiện có hơn 830 cơ quan báo chí và 300 kênh phát thanh, truyền hình. “Việt Nam là một trong những nước rất tự do báo chí, có đầy đủ các loại hình báo chí. Các bộ, ngành, địa phương từ trung ương đến địa phương, hiệp hội... đều có báo. Báo chí nước ta rất đa dạng, phong phú, chưa kể mạng xã hội là nguồn thông tin lớn cho người dân” - ông Son nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ TT-TT, báo chí dù phát triển về số lượng, chất lượng nhưng không tránh khỏi trùng lặp về tôn chỉ, mục đích nên cần được quy hoạch lại. Đề án Quy hoạch báo chí được triển khai trong thời gian dài, qua nhiều cấp với nhiều văn bản.
Ông Nguyễn Bắc Son cho biết Chính phủ đã họp cho ý kiến về dự thảo, xác định đây là “văn bản cá biệt”, đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan chủ quản ở các tỉnh, thành, tổ chức hội thảo khoa học trong Nam ngoài Bắc. “Đây là vấn đề quan trọng, nhạy cảm nên đề án được trình lên Bộ Chính trị” - ông Son cho hay.
“Không có quy hoạch nào làm kỹ đến vậy”
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói Chính phủ đã trình xin ý kiến Bộ Chính trị 3 lần về đề án Quy hoạch báo chí. Sau đó, Bộ Chính trị đã xem xét và có văn bản chỉ đạo lại để Chính phủ hoàn thiện. “Vì đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, có tác động, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, địa phương nên đã trình ra Hội nghị trung ương 10. Kết luận hội nghị này đã dành nội dung thứ 9 để nói về quan điểm, định hướng trong công tác quy hoạch báo chí; sau đó đã được quán triệt đến từng chi bộ và cũng được báo chí tuyên truyền. Như vậy, Chính phủ đã thực hiện đúng quy định, chỉ đạo của Bộ Chính trị” - ông Son khẳng định.
Trên cơ sở kết luận của trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ tiếp thu chỉ đạo của trung ương. Đến ngày 13-3, Chính phủ đã trình trung ương dự thảo đề án Quy hoạch báo chí lần cuối.
Bộ trưởng TT-TT cũng khẳng định trong quá trình triển khai xây dựng đề án Quy hoạch báo chí, bộ đã làm đúng và kỹ lưỡng dưới dự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. “Dù là văn bản cá biệt nhưng đề án được lấy ý kiến Bộ Chính trị, trung ương đến 3 lần, chắc không có quy hoạch nào làm kỹ đến như vậy. Thủ tướng sẽ xem xét để ký ban hành chính thức đề án trong tháng 5 và khi ban hành sẽ có kế hoạch quán triệt triển khai đầy đủ thời gian tới” - ông Nguyễn Bắc Son thông báo.
Tăng cước 3G
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, hiện cả nước có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao cố định, 130 triệu thuê bao di động. Việc tăng giá 3G theo đúng quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là không bán dưới giá thành.
Hiện nay, thị phần của Viettel là khoảng 50%, thị phần của VinaPhone khoảng 21%, MobiFone khoảng 18%, còn lại là các nhà mạng khác. Do cạnh tranh, một số nhà mạng bán giá cước 3G thấp nên Chính phủ đã yêu cầu tăng giá, không bán dưới giá thành để doanh nghiệp có tiền đầu tư. Tuy nhiên, việc tăng giá cước 3G sẽ được giám sát chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định.
Các cơ quan báo chí hãy yên tâm rằng trước khi Thủ tướng ký ban hành đề án Quy hoạch báo chí, sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên
Bình luận (0)